Mỹ hết hy vọng trước tuyên bố thách thức về S-400 của đồng minh

Kiệt Linh |

Mỹ có lẽ đã không còn có thể xoay chuyển được tình thế sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đưa ra tuyên bố khẳng định họ sẽ khởi động tiến trình đưa hệ thống phòng không tối tân S-400 vào hoạt động trong khoảng tháng Tư này.

Các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua được từ Nga sẽ được đưa vào hoạt động, Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar đã tuyên bố như vậy trên kênh truyền hình CNN Turk TV ngày hôm qua (20/2).

"Chúng tôi đang tuân theo luật chơi và đang tiến hành mọi việc dựa trên các nguyên tắc chính. Chúng tôi đã nghe thấy những tuyên bố kiểu như ‘các bạn không thể mua chúng, các bạn không thể đưa chúng vào hoạt động’.

Tổng thống của chúng tôi đã đưa ra câu trả lời cần thiết và đã đón nhận hệ thống S-400. Không ai được phép nghi ngờ về việc tên lửa S-400 sẽ được đưa vào hoạt động. Quá trình này sẽ được khởi động vào khoảng tháng Tư", ông Akar nhấn mạnh.

Những phát biểu trên cho thấy Mỹ có lẽ đã hết hy vọng trong việc chống phá hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ đã dùng rất nhiều cách để gây sức ép buộc đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ việc mua các tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận bàn giao những tên lửa S-400 đầu tiên, Washington lại tìm cách ép Ankara không cho các hệ thống vũ khí này hoạt động.

Tuy nhiên, những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Mỹ và đồng minh, hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang được thực hiện một cách bình thường.

Sau khi thông tin về việc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng S-400 được tung ra năm 2017, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã không giấu nổi sự lo lắng và đã tìm mọi cách để phá hợp đồng này.

Giới chức NATO và Mỹ tin rằng, nếu hợp đồng S-400 giữa Moscow và Ankara thành công thì đây sẽ là cơ hội mở đường cho Nga tiếp cận, tìm hiểu về các thiết bị chiến tranh của phương Tây, đặc biệt là các chiến đấu cơ F-35.

Việc Ankara theo đuổi S-400 của Nga đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra mối quan hệ chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ. Giới chức Mỹ liên tục đe dọa và cảnh cáo Ankara về hậu quả nếu cứ nhất quyết mua S-400 của Nga.

Mỹ đe dọa trừng phạt Ankara và không bán những chiếc chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này có trong tay những hệ thống tên lửa S-400.

Tuy nhiên, Mỹ đã phải thất vọng trước sự quyết tâm và cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc theo đuổi hợp đồng S-400 với Nga.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn.

S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s.

S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại