Hình ảnh vụ thử mới nhất của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm thứ Hai đưa tin nước này đã tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa mới trong các cuộc phóng thử hôm thứ Bảy và Chủ nhật. Tên lửa bay khoảng 1.500km trong vòng hai giờ đồng hồ và bắn trúng mục tiêu.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) hiện chưa tiết lộ bất cứ thông tin chi tiết nào về các vụ phóng thử, làm dấy lên suy đoán rằng chính quyền Hàn Quốc và Mỹ không kịp thời phát hiện động thái bất thường của Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook đã bác bỏ thông tin này, và khẳng định vẫn đang phân tích các chi tiết về vũ khí mới của Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi được biết Triều Tiên đã bắt đầu phát triển những tên lửa như vậy vào đầu những năm 2000 và đã sở hữu các công nghệ liên quan.
Chúng tôi có một hệ thống phát hiện và đánh chặn tên lửa hành trình của Triều Tiên”, Bộ trưởng Suh nói.
Trong trường hợp Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo , JCS có thể lập tức công khai thông tin về vụ thử. Tuy nhiên, đối với các vụ thử tên lửa hành trình, việc có công bố thông tin hay không còn phụ thuộc vào tình hình thực tế.
“Tên lửa hành trình di chuyển chậm hơn và kém uy lực hơn so với tên lửa đạn đạo, vì vậy sẽ tương đối dễ dàng để chống lại một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình.
Nhưng chúng di chuyển ở độ cao thấp hơn nên khó bị radar phát hiện và có thể tấn công mục tiêu chính xác hơn”, Chang Young-keun, một chuyên gia tên lửa tại Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc cho biết.
Tên lửa được Triều Tiên thử nghiệm gần đây dường như đã đạt độ cao tối đa khoảng 100m, Chang cho biết thêm, và các hệ thống phòng không hiện tại chủ yếu được thiết kể để đáp trả các tên lửa đạn đạo có tầm bay cao hơn tên lửa hành trình.
Ankit Panda, một nhà nghiên cứu và chuyên gia về không phổ biến vũ khí tại Carnegie Endowment for International Peace, cũng nói rằng độ cao thấp hơn của tên lửa hành trình là lí do khiến "các đơn vị xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa có thể cần phải định hướng lại các cảm biến, bao gồm cả radar, để phát hiện và theo dõi tối ưu."
“Nhiều tên lửa của Triều Tiên được thử nghiệm trong những năm gần đây có những đặc điểm khiến việc phòng thủ tên lửa trở nên khó khăn hơn”, Panda nói.
Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Bình Nhưỡng bị cấm sử dụng các công nghệ tên lửa đạn đạo , nhưng không bị cấm phát triển tên lửa hành trình.
Dù vậy, Panda cho biết vũ khí mới của Triều Tiên vẫn mang tính đe doạ, vì đây được cho là tên lửa hành trình đầu tiên có khả năng hạt nhân trong kho vũ khí của Bình Nhưỡng.
KCNA gọi tên lửa tầm xa mới là "vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng", và các chuyên gia cho rằng "vũ khí chiến lược" thường là cụm từ mà Bình Nhưỡng dùng để chỉ vũ khí hạt nhân. Trong đại hội lần thứ tám của đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng Một, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật.