Xe bọc thép Humvee. Ảnh: Sputnik.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, ông Joe Biden cho hay gói viện trợ bổ sung này nâng tổng số tiền viện trợ quân sự của Mỹ kể từ khi quân đội Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine lên hơn 2,6 tỉ USD.
Tổng thống Joe Biden cho biết ông cũng đã chấp thuận việc chuyển giao thêm máy bay trực thăng khi cho rằng các thiết bị cung cấp cho Ukraine "rất quan trọng" để giúp họ đối mặt cuộc tấn công từ Nga.
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, các lực lượng Ukraine sẽ cần được huấn luyện để sử dụng một số thiết bị quân sự Mỹ gửi tới.
Tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: Reuters
Lầu Năm Góc hôm 13-4 đã cung cấp một số thông tin chi tiết về khoản viện trợ mới trị giá 800 triệu USD, nhiều hơn khoảng 50 triệu USD so với ước tính của giới truyền thông một ngày trước đó.
Ngoài 500 tên lửa chống tăng Javelin và 300 máy bay không người lái Switchblade kamikaze, Mỹ còn có kế hoạch gửi 18 lựu pháo 155 mm và khoảng 40.000 đạn pháo, cũng như 10 radar chống pháo kích, 2 radar giám sát hàng không, 200 xe bọc thép M113, 100 xe bọc thép Humvee và 11 trực thăng Mi-17.
Các vũ khí khác được người phát ngôn Lầu Năm Góc Kirby liệt kê bao gồm 30.000 bộ áo giáp và mũ bảo hiểm, thiết bị phòng vũ khí hóa học, sinh học, mìn, thuốc nổ C-4 và tàu phòng vệ không người lái.
Ông Kirby cho hay Washington đang làm việc với các đồng minh và đối tác để xác định, cung cấp cho Ukraine các thiết bị bổ sung mà Mỹ không có trong kho dự trữ.
Trực thăng Mi-17 (trái). Ảnh: Reuters
Theo Lầu Năm Góc, đây là lần thứ 7 Bộ Quốc phòng Mỹ xuất hàng từ kho dự trữ vũ khí của mình kể từ tháng 8-2021 để cung cấp cho Ukraine.
Lầu Năm Góc cũng được cho là đã triệu tập 8 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ, bao gồm Raytheon, Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman, General Dynamics và L3 Harris Technologies, để thảo luận về cách thức sản xuất nhiều hệ thống vũ khí hơn nữa nhằm bù đắp thiếu hụt.
Lãnh đạo các nước NATO đến Ukraine
Tổng thống Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tại Kiev hôm 13-4 và kêu gọi tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của quân đội nước này tại Ukraine.
Theo hãng tin AP, chuyến thăm của các tổng thống Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia tới Ukraine thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết từ các quốc gia ở sườn phía Đông của NATO.
Cả 4 quốc gia Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia đều là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Pawel Szrot, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, nói rằng chuyến thăm mang tính biểu tượng bao gồm các cuộc thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine.