Theo Defence Blog, nguyên mẫu đầu tiên của máy bay siêu thanh Quarterhorse đã được giới thiệu tại Mỹ. Mẫu do công ty Hermeus của Mỹ phát triển, sử dụng trong các cuộc thử nghiệm động cơ của một chiếc máy bay mới đầy hứa hẹn.
CEO của công ty Hermeus, ông Skyler Shuford cho biết, nguyên mẫu mất 4 tháng để hoàn thành, có kích thước hoàn chỉnh, sử dụng để thử nghiệm động cơ tuabin chu trình hỗn hợp, phát triển dựa trên động cơ tuabin phản lực General Electric J85.
Theo các thông báo, Hermeus đang phát triển một loại máy bay mới cho Lực lượng Không quân Mỹ (Air Force). Công việc thực hiện trong khuôn khổ hợp đồng ký kết vào tháng 8.
Breaking Defense cho biết, thỏa thuận trị giá 60 triệu USD, chiếc máy bay mới có thể bay quãng đường từ New York đến Paris trong 90 phút. Tầm hoạt động của chiếc máy bay sẽ vào khoảng 7.408 km.
Theo Hermeus, công ty này đang thử nghiệm động cơ mới có thể đạt tốc độ Mach 5 (6.174 km/h). Động cơ này được thiết kế dành cho máy bay siêu thanh nhỏ không người lái mà Hermeus chế tạo cho Không quân Mỹ nhưng có thể tăng kích cỡ để dùng cho máy bay chở khách. Hermeus hy vọng có thể thực hiện thử nghiệm bay đầu tiên vào năm 2029.
Cùng với đó, do dựa trên nền tảng công nghệ hàng không dân dụng, công nghệ áp dụng trên máy bay Quarterhorse có thể áp dụng trên các thiết bị bay siêu vượt âm khác.
Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với Không quân Mỹ khi các chương trình phát triển thiết bị bay siêu vượt âm đang gặp nhiều vấn đề kỹ thuật do rào cản công nghệ và vật liệu chế tạo.
Nguyên mẫu Quarterhorse đầu tiên được thiết lập để không có người lái - giống như cách mà các phi vụ máy bay không gian đầu tiên của Virgin Galactic đã thực hiện, các chuyến bay thử nghiệm sớm nhất được thực hiện để loại bỏ rủi ro đối với tính mạng con người và cho phép công ty bắt đầu hoạt động bay thử sớm hơn.
Sau thành công này, thông qua Trung tâm đổi mới của Phòng Thí nghiệm Không quân (AFWERX), Hermeus đã lần lượt thực hiện các hợp đồng giai đoạn 1 và 2 - theo chương trình nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhỏ (SBIR), được tài trợ bởi Trung tâm quản lí vòng đời Không quân (AFLCMC), Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân (AFRL) và các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm khác.