Theo các ấn phẩm quân sự của Mỹ, các phương tiện tác chiến điện tử của Nga có thể là một trong bộ ba nguy hiểm nhất đối với Mỹ, cùng với vũ khí hạt nhân và tên lửa phòng không.
Người Mỹ cũng phải công nhận rằng, họ đang bị thụt lùi trong lĩnh vực tác chiến điện tử so với Nga. Quân đội Mỹ hiện nay không có hệ thống chặn vô tuyến điện từ xa, và có thể cho đến năm 2023 cũng chưa có.
Các tướng lĩnh Mỹ nói rằng, Nga và Trung Quốc đang vượt Mỹ từ những bước đi ngắn. Chỉ huy quân đội Nga không cần phải trực tiếp ra lệnh cho không quân tấn công điện tử như Mỹ đã làm ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.
Các chỉ huy Nga có tất cả các phương tiện tác chiến điện tử cần thiết trước khi cuộc chiến bắt đầu, phát hiện các hệ thống thông tin của đối phương và nơi nguồn phát tín hiệu để tiêu diệt nhanh chóng hệ thống radar cũng như các phương tiện thông tin tham gia vào chiến đấu.
Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng M.Mi-lây (Mark Milley), người trực tiếp giám sát Đơn vị phản ứng nhanh (UBR) cho biết, mối lo của Mỹ là có thật. Giám đốc UBR, tướng V.Pi-át (Walter Piatt) hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên, lưu ý rằng Nga rất xuất sắc trong lĩnh vực này.
Hệ thống tác chiến điện tử hiện đại Krasukha-4 của Nga. Ảnh: RIA
Các tài liệu quốc phòng của Mỹ chỉ rõ, các phương tiện tác chiến điện tử của Nga có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ. Điều này đặc biệt nguy hiểm cho quân đội Mỹ bởi rất nhiều thiết bị chiến đấu của quân đội Mỹ luôn phải phụ thuộc vào GPS.
Nếu không có GPS, quân đội Mỹ sẽ không biết họ đang ở đâu và các loại vũ khí có độ chính xác cao cũng trở nên vô dụng. Các tướng lĩnh Mỹ lo ngại hệ thống tác chiến điện tử của Nga có thể kiềm chế, ngăn chặn và thậm chí tiêu diệt các vệ tinh vũ trụ, hủy hoại các chương trình phần mềm hoặc ngắt các tín hiệu điều khiển.
Cách thức tác chiến gần đây của quân đội Mỹ đang ngày càng dựa vào sự phát triển của hệ thống máy bay không người lái. Tuy nhiên, máy bay không người lái trở nên vô dụng khi hệ thống chỉ huy và thông tin liên lạc bị "khóa" bởi các phương tiện tác chiến điện tử.
Nhận ra điểm yếu của mình, tiền và "chất xám" đang được huy động để nước Mỹ bước vào cuộc đua với nước Nga trên phương diện tác chiến điện tử, cũng là cuộc đua để bảo vệ binh lính cũng như vũ khí, trang bị kỹ thuật trên chiến trường.