Mỹ - đồng minh "tràn trề thất vọng": Khó ra tay hậu ám sát tướng Iran?

An Bình |

Các đồng minh của Mỹ tỏ ý không liên quan với quyết định ám sát Thiếu Tướng Iran Qassem Soleimani của ông Donald Trump.

Động thái này diễn ra khi hàng triệu người Iran đã xuống đường tiễn đưa Soleimani và đòi đáp trả vụ giết hại tướng lĩnh hàng đầu của nước này.

Đồng minh không tỏ ý ủng hộ

Cả Israel và NATO đều nhấn mạnh rằng họ không tham gia vào cuộc không kích hôm thứ Năm của Mỹ. Các đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Âu và Trung Đông nhấn mạnh rằng Soleimani là một nhân tố gây bất ổn và hủy diệt trong khu vực, nhưng phần lớn không thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định của ông Trump và kêu gọi kiềm chế từ mọi phía.

Hoa Kỳ đã thông báo với các bộ trưởng NATO vào thứ Hai về vụ giết Soleimani. Nói chuyện với các nhà báo sau đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng liên minh này không liên quan.

Đây là một quyết định của Hoa Kỳ, không phải là quyết định của cả liên minh toàn cầu và NATO, nhưng tất cả các đồng minh đều lo ngại về các hoạt động gây bất ổn của Iran trong khu vực, sự ủng hộ của Iran cho các nhóm khủng bố khác nhau, ông Stoltenberg nói. Ông cũng xác nhận việc đình chỉ nhiệm vụ huấn luyện của NATO ở Iraq.

Trong tất cả những gì chúng tôi làm, sự an toàn của nhân viên của chúng tôi là tối quan trọng. Như vậy, chúng tôi tạm thời đình chỉ việc đào tạo của chúng tôi trên thực địa ở đó, Tổng thư ký cho biết.

Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, khẳng định rằng vẫn còn thời gian cho con đường ngoại giao nhưng cảnh báo rằng nếu không có hành động khẩn cấp để xoa dịu căng thẳng đang gia tăng thì có nguy cơ thực sự xảy ra chiến tranh Trung Đông mới.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, người đã nói chuyện với ông Pompeo hôm thứ Hai, nói rằng "sự sôi sục căng thẳng khu vực đang khiến ngày càng nhiều quốc gia đưa ra quyết định khó lường với những hậu quả khó đoán và có nguy cơ cao xảy ra tính toán sai lầm".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ sự thất vọng về phản ứng từ các đồng minh châu Âu. Nhưng trong số trên, phản ứng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đặc biệt nổi bật vì ông là một trong những người ủng hộ trung thành nhất của ông Trump đối với các vấn đề quốc tế.

Ông Netanyahu phát biểu với một cuộc họp cùng nội các an ninh nước này vào thứ Hai rằng: "Vụ ám sát Soeimani không phải là việc của Israel mà là một việc của Mỹ. Chúng ta không liên quan và không nên bị lôi kéo vào đó.

Thứ trưởng quốc phòng Saudi, Khalid bin Salman, cũng là em trai của Hoàng thái tử nước này, đã ở Washington hôm thứ Hai để thúc giục kiềm chế.

Nguy cơ liên tục leo thang

Iran đã đe dọa thực hiện phản ứng mạnh việc Mỹ giết Soleimani bằng máy bay không người lái ở Baghdad tuần trước. Chuẩn Tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy của lực lượng hàng không vũ trụ Iran, cho biết hôm thứ Hai rằng phản ứng thích hợp duy nhất sẽ là sự hủy diệt hoàn toàn (lực lượng-pv) Mỹ trong khu vực".

Lầu Năm Góc, trong khi đó, tiếp tục đổ quân tiếp viện vào khu vực. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, lực lượng thủy quân lục chiến khoảng 2.500 người, cùng với máy bay trực thăng Cobra và máy bay phản lực Harrier, sẽ được đưa đến Trung Đông từ vị trí hiện tại của họ ở Địa Trung Hải. Ba ngàn lính không vận cũng đang trên đường tới Kuwait.

Các lực lượng này được tăng cường vào thời điểm sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Iraq đang vấp phải nhiều tín hiệu không chắc chắn sau khi cuộc bỏ phiếu của quốc hội này vào cuối tuần qua muốn trục xuất quân đội Hoa Kỳ.

Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại nước này Matthew Tueller và kêu gọi hai nước hợp tác trong việc sắp xếp việc rút khoảng 5.000 lính Mỹ hiện đang ở Iraq trong các nhiệm vụ chống IS và huấn luyện. Tuy nhiên, Abdul-Mahdi không đưa ra thời hạn cho sự ra đi của Hoa Kỳ.

Ông Trump, người trước đây kêu gọi rút quân Mỹ khỏi khu vực, đã đe dọa sẽ trừng phạt Iraq bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu chính phủ Baghdad trục xuất họ.

"Chúng tôi có một căn cứ không quân cực kỳ đắt đỏ ở đó. Nó tốn hàng tỷ đô la để xây dựng. Từ lâu trước thời kì của tôi. Chúng tôi không thể rời đi trừ khi họ trả lại tiền cho chúng tôi".

Ông Trump hôm thứ Hai cũng đã bị chỉ trích mối đe dọa tấn công các di tích văn hóa Iran trong số 52 mục tiêu mà Mỹ sẽ ném bom để trả thù nếu xảy ra bất kì cuộc tấn công nào của Iran trong tương lai.

Ông Trump cũng chịu áp lực liên tục từ Đảng Dân chủ hôm thứ Hai vì sự thiếu minh bạch trong lập luận về vụ ám sát Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố vị tướng này đang âm mưu tấn vào các mục tiêu Mỹ.

Thủ tướng Iraq Abdul-Mahdi cho biết nhà lãnh đạo quân sự Iran đã bay tới Iraq để đàm phán và tuyên bố ông Trump đã đề nghị chính phủ Iraq làm trung gian.

Ông Trump đã không hỏi ý kiến Quốc hội hoặc các đồng minh trước khi ra lệnh không kích vào đầu giờ sáng tại Baghdad.

Vào thứ bảy, Nhà Trắng đã gửi một thông báo chính thức tới Quốc hội theo yêu cầu của Đạo luật Quyền hạn Chiến tranh năm 1973, nhưng nội dung của nó đã được giữ bí mật. Thông thường các thông báo như vậy là các tài liệu được công bố và một phần được giữ bí mật nếu được yêu cầu.

Các thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer và Bob Menendez đã viết thư cho Trump hôm thứ Hai, yêu cầu thông báo về quyền hạn chiến tranh phải được giải mật.

Chúng tôi không thấy bất cứ điều gì ở đây mà ông cho là cần phải giữ bí mật như vậy, một nhân viên của Thượng viện nói. "Đạo luật quyền hạn chiến tranh yêu cầu đưa ra thông báo trong 48 giờ, bao gồm minh bạch 1 phần mục đích hành động với người dân Mỹ trong những thời khắc tế nhị như này".

Nhà Trắng đã đề nghị sẽ thông báo cho các thành viên của Quốc hội trong tuần này, nhưng Kellyanne Conway, cố vấn của ông Trump, cho biết quyết định về thời gian là thuộc về Lầu năm góc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại