Những tiếng nổ lớn. Khói lửa rực cháy. Tất cả đều diễn ra xung quanh khuôn viên một sân bay quốc tế lớn ở Baghdad, Iraq rạng sáng ngày 3/1 sau vụ không kích của Mỹ.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ ràng giữa cách một siêu cường thế giới là Mỹ và một cơ quan tình báo đầy năng lực ở cường quốc khu vực như Mossad, thực thi công việc của mình.
Vụ ám sát Qasem Soleimani, Tư lệnh Đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và chỉ huy lực lượng dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis là một trường hợp rất đáng được xem xét.
Không phải Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chưa bao giờ từng thực hiện các chiến dịch ám sát bí mật như vậy. Họ đã từng hành động.
Cũng không phải Israel chưa bao giờ cho nổ tung các đối thủ ở những nơi như Syria. Đôi khi họ vẫn làm.
Thế nhưng, Israel ưa thích hành động âm thầm hơn. Họ thường sử dụng Mossad để trừ khử các trùm sỏ khủng bố hay các nhà khoa học chế tạo vũ khí mà không để lại dấu vết.
Trên thực tế, dấu hiệu chung nhất trong các vụ ám sát được cho là do Mossad tiến hành những năm gần đây, từ Malaysia tới Tunis, đều được thực hiện ở mức độ chuyên nghiệp cao và không lưu lại bất kỳ dấu vết nào, tới mức giới quan sát không thể nghi ngờ bất cứ ai ngoại trừ Mossad, chỉ họ mới ra tay bí mật đến như thế.
Mossad thường cũng chỉ cố gắng tiêu diệt duy nhất một người ở một thời điểm và thường ra tay ở một khu vực ít công khai hơn, giữ kín sự vụ ở mức ít ồn ào nhất có thể.
Đôi khi, các tin tức về một vụ ám sát do Mossad tiến hành phải rất lâu sau mới rò rỉ ra truyền thông, bởi ngoài việc "vô tình" tìm thấy xác kẻ khủng bố thì gần như không có dấu hiệu nào về điều gì đã xảy ra và vào thời điểm nào.
Tướng Qassem Soleimani. Ảnh: Gulf News
Phương thức này không phải mục tiêu của chính quyền Donald Trump khi tiêu diệt Soleimani vào đêm thứ Năm vừa qua. Sự việc diễn ra ở một nơi công cộng, sau khi binh sĩ Mỹ đã gặp phải những thương vong lớn và cũng đã lộ rõ những dấu hiệu báo trước.
Trong khi các quan chức Israel, thậm chí còn không thèm bình luận gì về các chiến dịch của Mossad thì Tổng thống Trump lại đăng tải hình ảnh quốc kỳ Mỹ trên Twitter vào lúc Lầu Năm Góc công bố thông tin rằng ông đã ra lệnh tiến hành vụ tấn công.
Chính quyền Donald Trump muốn cảnh báo Iran theo cách công khai nhất và thẳng thừng nhất, rằng Mỹ vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới, và rằng Iran, dù có trong tay tất cả các lực lượng ủy nhiệm và mưu mẹo, vẫn chỉ là đối thủ dưới cơ.
Quyết định của Tổng thống Trump loại bỏ Soleimani một cách công khai ngay tại sân bay Iraq có thể sẽ gây ra tác động lớn đối với sự hiện diện của Mỹ ở quốc gia này.
Trong khi Tổng thống Trump nhiều khả năng vẫn muốn các lực lượng Mỹ được tự do đóng quân tại các căn cứ ở Iraq thì thông điệp của ông vẫn là: có căn cứ hay không có căn cứ, Mỹ vẫn sẽ tấn công Iran và sẽ ra đòn rất nặng nếu Tehran dám đụng chạm tới binh lính Mỹ.
Thông điệp của ông Trump gửi tới Iran rất mạnh mẽ và rõ ràng: Đừng thách thức Mỹ!
Trong năm bầu cử, người đứng đầu Nhà Trắng có thể không muốn bị kéo vào một cuộc chiến ở Trung Đông nhưng nếu Iran vẫn muốn gây hấn với Mỹ thì dưới quan điểm của ông Trump, Tehran sẽ phải trả giá, thậm chí đắt hơn những gì mọi người có thể hình dung.
Mossad có thể đã đóng một vai trò nào đó trong việc hỗ trợ Mỹ theo dõi Soleimani, mặc dù điều này chưa được tiết lộ, nhưng quyết định tiêu diệt ông ta theo cách ồn ã như vậy thì chỉ có bàn tay đạo diễn của ông Trump.
Video ghi lại hiện trường vụ không kích của Mỹ vào các mục tiêu ở Iraq và Syria hôm 29/12