Gây sức ép mạnh mẽ hơn
Theo Reuters, Lầu Năm Góc đang cân nhắc một kế hoạch mạnh mẽ hơn cho các chiến dịch mà nước này gọi là “đảm bảo tự do hàng hải” tại những công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
Các quan chức quân đội Mỹ cho biết, kế hoạch này bao gồm việc tiến hành các cuộc tuần tra kéo dài có sự tham gia của nhiều tàu chiến Mỹ áp sát các đảo nhân tạo nói trên.
Ngoài ra, Mỹ cũng lên tiếng yêu cầu các đồng minh và đối tác trên toàn cầu tăng cường triển khai các tàu Hải quân của mình đi qua Biển Đông, vùng biển có ý nghĩa chiến lược hiện đang bị Trung Quốc tìm cách khống chế thông qua việc tăng cường năng lực quân sự trên các đảo và bãi đá mà nước này chiếm đóng trái phép ở cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định: “Những gì chúng ta được chứng kiến trong vài tuần qua [ám chỉ việc Mỹ lần đầu tung tới 2 tàu chiến áp sát các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông-ND] chỉ là sự khởi đầu cho một kế hoạch có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều. Giới chức Mỹ thực sự tin rằng, họ cần phải làm nhiều hơn nữa”.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Trung tá Christopher Logan tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác và đồng minh để đảm bảo duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Theo các chuyên gia, cách tiếp cận mạnh mẽ hơn dường như đã được Lầu Năm Góc “bật đèn xanh” thực hiện. Hồi cuối tháng 5, 2 tàu chiến Mỹ là tuần dương hạm Antietam và khu trục hạm Higgins của Hải quân Mỹ vừa tiến vào khu vực 12 hải lý quanh một loạt đảo ở Biển Đông gồm Đảo Cây, Đảo Lincon, Đảo Tri Tôn và Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa [của Việt Nam-ND] .
Đáng chú ý, dù đây là hoạt động mang tính thường xuyên và được lên kế hoạch nhiều tháng trước đó, đây là lần đầu tiên Mỹ điều tới 2 tàu chiến tham gia chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Hơn thế nữa, động thái này của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang rất cần sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Mỹ cảnh báo “hệ lụy nghiêm trọng”
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, diễn đàn an ninh quan trọng nhất trong khu vực đang diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thừa nhận, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông giờ đã trở thành “một thực tế”.
Lời thừa nhận trên được ông Mattis đưa ra trong bối cảnh, tháng 5 vừa qua, Trung Quốc điều máy bay ném bom hạ cánh xuống đảo Phú Lâm [thuộc quần đảo Hoàng Sa-ND] để tham gia một đợt diễn tập quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã chuyển các tên lửa phòng không, đối hạm, và hành trình ra đảo này và nhiều căn cứ quân sự khác mà nước này thiết lập trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Ông Mattis nhấn mạnh: “Dù Trung Quốc nói gì đi chăng nữa, việc triển khai các loại vũ khí nói trên là trực tiếp phục vụ mục tích quân sự cũng như để đe dọa và o ép”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, hành động này của Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt.
“Cho đến giờ, Trung Quốc vẫn chưa phải trả giá cho hành động của mình”, ông Mattis tuyên bố nhưng nói thêm rằng, Lầu Năm Góc sẽ “đối chọi quyết liệt” nhằm phản ứng với các hành động nói trên của phía Trung Quốc nếu thấy cần thiết.
“Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại hoàn toàn với chiến lược nhằm thúc đẩy tự do và cởi mở mà Mỹ đang tiến hành. Chúng tôi nghi ngờ về mục đích lớn hơn của Trung Quốc tại đây”, ông Mattis nói thêm.
Đáp lại, Trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, ngang nhiên cho rằng, Bắc Kinh hoàn toàn có quyền tiếp tục chiến lược quân sự hóa Biển Đông: “Trung Quốc có quyền đưa quân đội và vũ khí ra Biển Đông. Chúng tôi coi việc một số nước cố tình lên tiếng về việc này là can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi”.
Các chuyên gia quân sự trong khu vực cho biết, họ đang theo dõi sát sao các động thái tiếp theo của Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ điều các chiến đấu cơ ra quần đảo Trường Sa hoặc sẽ thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) như nước này từng làm ở biển Hoa Đông năm 2013 bất chấp sự phản đối của hầu hết các nước trong khu vực và Mỹ.
Chuyên gia an ninh Tim Huxley cho biết, sức ép ngày một gia tăng trên bình diện quốc tế chỉ có thể làm chậm chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn mưu đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc:
“Đây là một thực tế mà Trung Quốc đã tạo ra và sẽ rất khó khiến cho nước này thay đổi ý đồ của mình. Họ làm điều này không phải để chọc tức Mỹ và các nước láng giềng mà để phục vụ chiến lược lâu dài của họ”./.