1.500 quân Mỹ tới vùng Vịnh: Nếu Iran biết kiềm chế, "tia lửa nhỏ" sẽ không thể gây hỏa hoạn lớn

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Ông Trump đưa thêm 1.500 binh lính đến khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh thật sự để làm gì?

Không phải tận 120.000 binh lính, cũng chẳng phải 10.000 hay 5.000 như báo chí ở Mỹ đưa tin mà chỉ có 1.500 quân lính được Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đưa thêm đến vùng Vịnh.

Việc này diễn ra vào thời điểm ông Trump đã điều động lực lượng quân đội và vũ khí hùng hậu đến trước cửa ngõ của Iran, như thể chiến tranh giữa Mỹ và Iran sắp xảy ra đến nơi.

Một khi giữa hai bên đã căng thẳng đến mức như vậy thì việc Mỹ tăng cường triển khai quân đội ở khu vực này đương nhiên không thể là dấu hiệu của tình hình diễn biến theo chiều hướng dịu đi.

Càng nhiều quân lính và vũ khí được triển khai ở hai bên trận tuyến thì nguy cơ bùng phát đụng độ vũ trang, thậm chí cả chiến tranh thực thụ, càng thêm thực tế giống như một tia lửa nhỏ cũng có thể gây ra hỏa hoạn lớn.

Nhưng câu hỏi không thể không đặt ra ở đây là ông Trump đưa thêm ngần ấy binh lính đến khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh thật sự để làm gì?

Đối đầu trong giới hạn

Con số 1.500 binh lính này quả là nhỏ bé và ít ỏi so với tiềm lực quân sự của Mỹ đã được triển khai lâu nay ở khu vực và đang được tiếp tục triển khai với tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng với những tàu chiến khác và máy bay ném bom.

Nếu Mỹ tiến hành chiến tranh với Iran thì số binh lính thêm kia lại quá ít ỏi và không thể làm nên trò trống gì. Nhưng nếu Mỹ không có ý định phát động chiến tranh với Iran thì giờ có điều động thêm ngần ấy binh lính đến vùng Vịnh thì cả tác động dọa dẫm lẫn răn đe Iran đâu có tăng thêm được mấy.

Cùng với quyết định đưa thêm số binh lính này tới vùng Vịnh, ông Trump quả quyết không tìm kiếm chiến tranh với Iran.

1.500 quân Mỹ tới vùng Vịnh: Nếu Iran biết kiềm chế, tia lửa nhỏ sẽ không thể gây hỏa hoạn lớn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Reuters.

Ở thăm Nhật Bản, ông Trump cho biết mục đích của Mỹ là làm cho Iran không có vũ khí hạt nhân chứ không chiến tranh với Iran và không thay đổi thể chế nhà nước chính trị hiện tại ở Iran.

Người này vốn hay thay đổi quan điểm buộc bên ngoài phải nhìn nhận mọi tuyên bố và phát ngôn của ông Trump trong tính tương đối của chúng. Nhưng không gây chiến tranh ở nước ngoài phù hợp với cách tư duy và tiếp cận lợi ích của ông Trump cho nước Mỹ.

Sách lược của ông Trump trong quan hệ với Iran, như với không ít đối tác khác, là gia tăng áp lực tối đa với suy tính là cứ bị ép đến mức tối đa thì tự khắc Iran sẽ phải nhượng bộ Mỹ.

Mục tiêu ông Trump theo đuổi là Iran không có vũ khí hạt nhân, trong khi không ít cộng sự thân cận của ông Trump lại nhằm đến việc thay đổi chính thể hiện tại ở Iran.

Cách làm của nhóm này là cứ duy trì gây khó cho Iran thì rồi chính thể hiện tại ở Iran sẽ tự sụp đổ hoặc người dân Iran sẽ nổi dậy lật đổ chính thể hiện tại. Họ sẵn sàng dùng xung đột quân sự và thậm chí cả chiến tranh nữa với Iran để xô đẩy đất nước này vào đường cùng.

Vì thế, những người này chủ trương không chỉ có siết chặt các biện pháp trừng phạt Iran và khẩu chiến quyết liệt với Iran như cuộc chiến tranh tâm lý thực thụ, mà còn tăng cường triển khai quân đội Mỹ ở khu vực.

Ở đây có thể có sự bất đồng quan điểm giữa ông Trump và các cộng sự này, nhưng cũng lại không thể loại trừ khả năng có sự phân vai trong nội bộ Mỹ về kẻ làm găng, người nói dịu với Iran, cho nên quân điều động đến thêm không nhiều và ông Trump có những quả quyết như thế khi ở thăm Nhật Bản.

Nếu đấy ẩn chứa sự bất đồng quan điểm giữa ông Trump và cộng sự thì chỉ cần nhìn vào quan điểm thái độ mà ông Trump thể hiện là có thể dự liệu được những kịch bản có thể xảy ra trong thời gian tới, và càng có thêm cơ sở để thấy là sẽ không xảy ra chiến tranh, thậm chí cả đụng độ vũ trang thôi giữa Mỹ và Iran.

Tức là sẽ không có bên nào chủ động tấn công bên nào, và cả hai đều sẽ hết sức tránh làm gì đấy để bên kia có cớ hành động hoặc buộc phải hành động quân sự.

1.500 quân Mỹ tới vùng Vịnh: Nếu Iran biết kiềm chế, tia lửa nhỏ sẽ không thể gây hỏa hoạn lớn - Ảnh 4.

Nếu đấy là sự phân vai giữa ông Trump và cộng sự thì câu chuyện ở đây sẽ là Mỹ còn tiếp tục làm găng với Iran nhưng giữ leo thang căng thẳng và đối đầu trong sự kiểm soát và giới hạn nhất định. Mỹ chỉ duy trì áp lực thôi chứ không hẳn "gia tăng áp lực tối đa" đối với Iran.

Trong trường hợp này, chỉ cần Iran cũng kiềm chế, hành xử tỉnh táo và không để sa vào bẫy nào đó của đồng minh của Mỹ ở khu vực, thì xung đột quân sự hay chiến tranh với Mỹ sẽ không xảy ra.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại