Trước mặt là Tehran hùng mạnh, sau lưng là Nga "giương vuốt", TT Trump lầm to khi dám dọa Iran?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Trước sức ép trong nước và quốc tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải tính toán lại hành động quân sự chống Iran.

Sau căng thẳng lên tới đỉnh điểm, đối đầu Washington-Tehran có dấu hiệu hạ nhiệt

Theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, ngày 21/5/2019, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Josef Dunford đã báo cáo trước Quốc hội về các mối đe dọa và những diễn biến gần đây liên quan đến Iran.

Trước cuộc họp này, cựu giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) John Brennan và cựu quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao thời Obama Wendy Sherman, cũng đã thông báo cho các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ về Iran.

Sau cuộc họp này, ông Shanahan cho biết Lầu Năm góc "sẽ không gây chiến và việc đưa các phương tiện chiến tranh của Mỹ đến vùng Vịnh là nhằm mục đích răn đe Iran chứ không phải để tiến hành chiến tranh".

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders cảnh báo rằng "một cuộc chiến tranh với Iran sẽ là thảm họa và sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với cuộc chiến tranh với Iraq". Ông lưu ý rằng các cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Iraq trước đây là dựa trên sự dối trá của các chính quyền cũ.

Trước thái độ không đồng tình của Quốc hội, Nhà Trắng đã bắt đầu phải thay đổi chiến thuật với Iran. Tổng thống Donald Trump bác bỏ kế hoạch của Lầu Năm Góc điều 120.000 quân sang vùng Vịnh và đề nghị của Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) đưa 5.000 quân bổ sung sang Trung Đông để đối phó với Iran. Ngày 24/5/2019, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan đã tuyên bố không đưa thêm quân đến Trung Đông và Lầu Năm góc "rất mong muốn không để xảy ra bất cứ sự tính toán sai lầm nào với Iran".

Tình hình căng thẳng ở khu vực đang hạ nhiệt và nhường chỗ cho các cố gắng ngoại giao. Oman, Iraq, Kuwait và Thụy Sỹ đang tăng cường hoạt động trung gian hòa giải nhằm làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Trước đây, các cố gắng của Oman đã góp phần giải quyết một số vấn đề bất đồng giữa Washington và Tehran.

Trước mặt là Tehran hùng mạnh, sau lưng là Nga giương vuốt, TT Trump lầm to khi dám dọa Iran? - Ảnh 1.

Các binh sĩ lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) (Ảnh: AFP)

Điều gì ngăn cản chính quyền Trump phát động chiến tranh với Iran?

Các nhà phân tích chính trị cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống D. Trump đang tìm cách xuống thang và "không dám phát động một cuộc chiến tranh trực diện với Iran".

Cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào lãnh thổ Iran sẽ vô cùng tốn kém. Nói chung, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước này chống nước kia đều đem lại những tổn thất hết sức to lớn về sinh mạng và tiền của. Một chiến dịch quân sự của Mỹ chống Iran chắc chắn sẽ không tránh khỏi nhiều tổn thất nặng nề.

Chi phí và tổn thất thì có thể dự đoán được, nhưng liệu Washington có đạt được những mục tiêu và tham vọng của mình thông qua một hành động quân sự chống Iran hay không thì không ai, kể cả những người trong chính quyền Mỹ có thể trả lời rõ ràng được. Tiến hành một cuộc chiến tranh mà biết trước các chi phí và thiệt hại sẽ rất lớn, trong khi chưa biết có thực hiện được mục tiêu hay không là một cuộc phiêu lưu vô cùng nguy hiểm.

Trong cuộc xâm lược trước đây chống Afghanistan (2001) và Iraq (2003), mặc dù chịu tổn thất nặng nề (chi phí trên dưới 7.000 tỷ USD và hàng ngàn người Mỹ bị chết và hàng chục ngàn người khác bị thương), Mỹ đã không đạt được mục tiêu của mình. Đến bây giờ đã gần hai mươi năm trôi qua, ở hai quốc gia này vẫn không có hòa bình.

Tình hình Iraq đến nay vẫn không ổn định. Ở Afghanistan cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, Mỹ đang buộc phải bước vào đàm phán với Taliban và tìm cách rút quân khỏi nước này. So với Iraq và Afghanistan, Iran mạnh hơn nhiều cả về tiềm lực quân sự cũng như sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Nếu Mỹ đã không đạt được mục tiêu ở Iraq và Afghanistan thì bất cứ sự can thiệp vũ trang nào chống Iran họ cũng sẽ không tránh khỏi thất bại.

Tiến hành chiến tranh với Iran, chắc chắn Washington sẽ phải chi phí nhiều tiền hơn, thương vong sẽ lớn hơn và vai trò cũng như uy tín quốc tế của Mỹ sẽ bị tổn thương. Trong khi người Mỹ đang phải đối phó với những vấn đề gai góc trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, thì họ sẽ gặp nhiều rắc rối hơn ở Iran. Do đó, ông Trump khó tìm được lý do hợp lý nào để biện minh cho cuộc chiến tranh với Tehran.

Bất cứ quốc gia nào khi phát động chiến tranh với một nước khác đều muốn kết thúc càng nhanh càng tốt. Chiến tranh càng kéo dài càng không có lợi cho phe phát động xung đột. Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố có thể tấn công Iran, nhưng ông không biết chắc chắn khi nào cuộc chiến này sẽ kết thúc. Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh Việt Nam, Afghanistan, Iraq.... các nhà hoạch định chiến lược ở Washington chắc sẽ không khởi động một cuộc chiến tranh mà chưa biết khi nào kết thúc và kết cục của nó sẽ ra sao.

Trước mặt là Tehran hùng mạnh, sau lưng là Nga giương vuốt, TT Trump lầm to khi dám dọa Iran? - Ảnh 2.

Các lực lượng Ả Rập đồng minh của Mỹ dường như chưa thể là đối trọng với Iran trong khu vực (Ảnh minh họa: AP)

Trong trường hợp chiến tranh xảy ra với Mỹ, Iran sẽ không đơn độc. Trong thập kỷ qua Tehran đã mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình trong khu vực từ Syria, Iraq, Yemen đến Lebanon và dải Gaza. Mỹ và những người Ả Rập theo dòng Sunni khó có thể thắng được Iran theo dòng Shia. Tại Iraq 70% dân số theo dòng Shia. Tại Ả Rập Saudi, các mỏ dầu lớn đều nằm ở khu vực có đông người Shia sinh sống. Kuwait là nước phần lớn dân số là người Shia. Tại Bahrain 80% dân số theo dòng Shia. Ngoài ra, các lực lượng Houthi ở Yemen, tổ chức Hezbollah ở Lebanon, phong trào Hamas ở Palestine... sẽ đứng về phía Iran.

Cuối cùng, trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã hứa không dính líu trực tiếp vào các cuộc xung đột khu vực và tìm cách rút quân Mỹ khỏi Iraq, Afghanistan và Syria. Ông Trump đang chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai vào năm tới không muốn dính vào một cuộc chiến lâu dài thiệt hại lớn về người và vật chất, trong khi Iran không phải là mối đe dọa tới an ninh của Mỹ. Tiến hành chiến tranh với Iran, Mỹ chủ yếu bảo vệ lợi ích của Israel và Ả Rập Saudi chứ không phải của Mỹ.

Nga và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nếu Mỹ tiến hành chiến tranh với Iran

Trước đây, cuộc can thiệp quân sự hao người tốn của của Mỹ vào Afghanistan, Iraq đã tạo điều kiện cho Nga khôi phục lại sức mạnh cường quốc của mình tại khu vực Trung Đông và trên thế giới.

Việc Nga lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã, đưa quân mở chiến dịch quân sự tại Syria tháng 9/2015 đã lấy lại được thế cân bằng chiến lược với Mỹ. Nay nếu tiến hành chiến tranh với Iran, tập trung mọi sức lực của mình vào cuộc chiến này, một lần nữa Washington lại cho Nga một cơ hội phát triển vượt trội.

Trước mặt là Tehran hùng mạnh, sau lưng là Nga giương vuốt, TT Trump lầm to khi dám dọa Iran? - Ảnh 3.

Tiến hành chiến tranh với Iran, Mỹ chắc chắn sẽ chịu thiệt hại lớn về kinh tế. Người được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là Nga. Nga là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Chỉ riêng giá dầu tăng lên trên dưới 70 USD/thùng hiện nay, Nga đã có thêm khoảng 6-7 tỷ USD mỗi tháng. Nếu chiến tranh Mỹ-Iran xảy ra, Mỹ không tránh khỏi "sứt đầu mẻ trán", trong khi đó giá dầu có thể sẽ tăng lên trên 100 USD/thùng thì không ai khác ngoài Nga sẽ là người thắng đậm.

Tập trung tất cả sức lực vào cuộc chiến với Iran, Mỹ sẽ bỏ trống vùng Viễn Đông cho Trung Quốc và sân sau của Mỹ là Venezuela cho Nga. Trung Quốc sẽ gây sức ép với Đài Loan và tăng cường hoạt động ở Biển Đông. Nga sẽ mở rộng ảnh hưởng của mình ở Cuba và Venezuela thông qua việc ủng hộ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro. Dù mạnh đến đâu đi chăng nữa, Washington cũng không có khả năng tiến hành một lúc hai cuộc chiến tranh.

Iran sẵn sàng đàm phán với Mỹ, nhưng không phải dưới sức ép về quân sự và kinh tế của Washington. Ngoại trường Iran M. Javad Zarif tuyên bố "đối thoại với Mỹ chỉ có thể được bắt đầu khi Mỹ từ bỏ các biện pháp trừng phạt và chấm dứt đe dọa quân sự chống Iran".

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại