Lựu pháo xe kéo M-777 155mm của Quân đội Mỹ.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, các cam kết viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã lên tới hơn 2,5 tỷ USD và đây là lần đầu tiên lựu pháo 155mm được Mỹ trao cho Ukraine.
Theo Hãng tin Anh Reuters và trang web Defense News của Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo tin này sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Biden gọi việc cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự cho Ukraine là "vô cùng quan trọng" trong bối cảnh Ukraine đang bị Nga "xâm lược".
Ông nói trong một tuyên bố bằng văn bản: "Chúng ta hiện giờ không thể nghỉ ngơi, như tôi đã đảm bảo với Tổng thống Zelensky, nước Mỹ sẽ tiếp tục đứng bên cạnh những người Ukraine dũng cảm".
Ông bổ sung thêm, khi mà cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục, Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh để vận chuyển nhiều nguồn lực hơn tới cho Ukraine.
Kế hoạch viện trợ quân sự mới này bao gồm 11 trực thăng Mi-17 do Liên Xô chế tạo, 200 xe bọc thép chở quân M-113, 100 xe quân sự Humvee, 10 hệ thống radar pháo binh AN/TPQ-36 và 2 dàn radar AN/MPQ-64 Sentinels, 300 máy bay không người lái tự sát Switchblade. Mỹ cũng sẽ lần đầu tiên cung cấp cho Ukraine 18 cỗ lựu pháo 155mm với 40.000 quả đạn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo viện trợ bổ sung 800 triệu USD vũ khí cho Ukraine
Ngoài các thiết bị trên, danh sách viện trợ của quân đội Mỹ còn có một số thiết bị bảo vệ chống lại các chất hóa học, bức xạ và ô nhiễm hạt nhân, hơn 2.000 máy đo xa quang học và laser, mìn chống bộ binh M-18A1 và các thiết bị khác.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói trong cuộc họp báo ngày 13/4: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi cung cấp cho Ukraine lựu pháo 155mm và các loại đạn dược liên quan... Họ đặc biệt yêu cầu hỗ trợ hỏa lực, đặc biệt là hỗ trợ pháo binh."
Trước cuộc gọi cho ông Biden vào ngày 13/4, ông Zelensky đã đăng một video lên mạng xã hội liệt kê các thiết bị mà ông cho rằng Ukraine rất cần, trong đó bao gồm lựu pháo 155mm, hệ thống phóng loạt tên lửa đa năng H-142 HIMARS, xe chiến đấu bộ binh, xe tăng T-72 và thêm nhiều hệ thống phòng không S-300.
Ông Zelensky cho rằng nếu Ukraine không thể có thêm vũ khí, "cuộc chiến này sẽ trở thành một cuộc tắm máu bất tận".
Kể từ năm ngoái đến nay, chính quyền Joe Biden đã cam kết viện trợ quân sự 3,2 tỷ USD cho Ukraine, trong đó 2,6 tỷ USD đã được cung cấp kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ ngày 24/2/2022.
Vào ngày 13/4 theo giờ địa phương, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gặp gỡ Giám đốc điều hành của 8 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ để thảo luận về khả năng của ngành công nghiệp quân sự đáp ứng nhu cầu vũ khí của Ukraine nếu xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục trong nhiều năm.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks ngày 12/4 đã nói với các phóng viên rằng cuộc họp được giữ bí mật nội dung ngày 13/4 là nhằm thảo luận về cách Mỹ có thể "giúp đỡ họ (Ukraine)".
Một người thạo tin về vấn đề này nói với Reuters: Văn phòng Thu mua và Bảo trì Vũ khí của Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì cuộc họp kéo dài 90 phút này. Hiện tại, "các vũ khí hữu ích nhất" bao gồm tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger, được Mỹ và các đồng minh vận chuyển đến giao cho Ukraine hầu như hàng ngày.
Bà Kathleen Hicks, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ. |
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 7/4 đã cảnh báo rằng hành động gửi vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ không giúp ích cho thành công của đàm phán Nga-Ukraine mà trái lại nhiều khả năng gây ra tác động tiêu cực.
Theo Đài truyền hình Nga Russia Today (RT) ngày 13/4, Lầu Năm Góc cùng ngày tiết lộ Mỹ đang mở rộng phạm vi chuyển giao vũ khí cho Ukraine, bao gồm pháo binh, xe bọc thép và trực thăng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng 2,6 tỷ USD vũ khí mà ông đã đặt hàng để cung cấp cho Kiev kể từ tháng 2 có thể giúp đánh bại điều mà ông tuyên bố là kế hoạch "chinh phục và kiểm soát" Ukraine của Nga.
Theo RT, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 13/4, ông Biden đã nói trong một tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra:
"Việc cung cấp vũ khí ổn định của Mỹ và các đồng minh cho Ukraine là rất quan trọng để duy trì cuộc chiến chống lại Nga. Việc này có thể giúp đảm bảo rằng Putin sẽ thất bại trong cuộc xung đột nhằm chinh phục và kiểm soát Ukraine, chúng ta không thể nghỉ ngơi vào lúc này."
Ông Biden cho biết bên cạnh các tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger "hiệu quả cao"; Mỹ giờ đây sẽ cung cấp "các khả năng mới được thiết kế để (Ukraine) thực hiện các cuộc tấn công sâu rộng hơn".
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói với các phóng viên rằng "chúng tôi đã đặc biệt đề ra danh sách này để đáp ứng các yêu cầu của Ukraine (với Mỹ) về tình hình ở miền đông Ukraine" và Mỹ sẽ "ngay lập tức" bắt đầu vận chuyển các trang thiết bị này.
Ông John Kirby, Người phát ngôn Lầu Năm Góc. |
RT đưa tin, từ danh sách do Kirby cung cấp, vẫn chưa rõ loại lựu pháo 155mm này là lựu pháo tự hành M-109 hay lựu pháo kéo M-777. Xe bọc thép chở quân M-113 được đưa vào hoạt động từ năm 1962 và bị Mỹ loại biên vào năm 2007.
Radar chống pháo binh gắn trên xe AN/TPQ-36 do Lockheed Martin sản xuất, trong khi AN/MPQ-64 là radar phòng không ba tọa độ do Raytheon sản xuất.
Mi-17 là máy bay trực thăng vận tải do Liên Xô sản xuất, cũng có thể được nâng cấp thành máy bay chiến đấu, ban đầu được Mỹ mua cho các lực lượng quân đội chính phủ Afghanistan trước đây. Vào tháng 1/2022 Mỹ tuyên bố sẽ bàn giao 5 máy bay trực thăng Mi-17 cho Ukraine, với lý do sắp xảy ra "cuộc xâm lược của Nga".
Ông John Kirby cũng cho biết Mỹ đang hợp tác với "các đồng minh và các nước đối tác để xác định và cung cấp cho Ukraine những khả năng bổ sung mà chúng tôi không có". Lầu Năm Góc thừa nhận rằng đây là lần thứ bảy kể từ tháng 8 năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng kho vũ khí của mình để viện trợ quân sự cho Ukraine.
RT chỉ ra rằng hiệu quả của các loại vũ khí do Mỹ cung cấp rất khó để xác nhận một cách độc lập. Ngoài ra, Nga cũng cảnh báo Mỹ và NATO rằng bất kỳ đoàn xe nào vận chuyển vũ khí và thiết bị cho Ukraine sẽ đều bị coi là mục tiêu quân sự hợp pháp để Nga tấn công nếu tiến vào lãnh thổ Ukraine.