Trang tin Defense News mới đây đăng tải thông tin, Lầu Năm góc đang soạn thảo chiến lược phát triển “lá chắn tên lửa” và phòng không mới của Mỹ để đối phó với các mối nguy cơ mới xuất hiện, đặc biệt là từ các siêu cường Nga và Trung Quốc.
Trong đó, sự thay đổi đáng kể nhất của chiến lược mới là sự đơn giản hóa quy trình chỉ huy, cũng như phát triển các khí tài phòng không thế hệ mới có khả năng đối phó tốt hơn với các mối nguy cơ trong tương lai.
Những ưu tiên trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ
Trong chiến lược phát triển quốc phòng của Mỹ công bố hồi tháng 1-2018, việc cập nhật và thay đổi chiến lược phòng thủ tên lửa và phòng không được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Về vấn đề này, Tư lệnh Bộ Chỉ huy lực lượng Vũ trụ và Phòng thủ tên lửa Lục quân Mỹ, Trung tướng James Dickinson nhấn mạnh, trong vài năm tới, chiến lược phát triển lá chắn tên lửa của Mỹ sẽ được cập nhật với các nguồn kinh phí bổ sung trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, việc bổ sung ngân sách dành cho vấn đề này vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Lầu Năm góc.
Xương sống của hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa Mỹ chính là các tổ hợp tên lửa THAAD và Patriot.
“Chúng tôi đã nhận bổ sung nguồn ngân sách rất lớn. Các hạng mục và chương trình cần được bổ sung đều đúng quy định. Chúng sẽ được công khai trong thời gian sắp tới”, tướng J. Dickinson cho biết.
Theo lời tướng J. Dickinson, chiến lược phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất của Quân đội mỹ được công bố năm 2012 và đã được bổ sung vào năm 2015.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các loại vũ khí siêu thanh mới, cũng như sự gia tăng sức mạnh quân sự của các quốc gia đối thủ, Mỹ cần chiến lược phát triển “lá chắn tên lửa” mới làm đối trọng. Chiến lược mới sẽ là sự thay đổi lớn nhất của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ kể từ năm 1973 tới nay.
Dù không công khai chi tiết về chiến lược mới, tướng J. Dickinson nhấn mạnh, hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ sẽ được xây dựng trên cơ chế nhiều tầng, nhiều lớp và đơn giản hóa, tự động hóa quy trình chỉ huy để đạt hiệu quả hoạt động cao nhất.
Khi đối phó với các mục tiêu bay khi động siêu thanh trong các tầng khí quyển trái đất, hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp sẽ tăng tỷ lệ đánh chặn thành công. Điều này đồng nghĩa với việc giảm thiệt hại tối đa trước các đòn tấn công của đối phương.
Mỹ sẽ sớm có vũ khí phòng thủ tên lửa mới
“Chúng tôi đang có trong tay những hệ thống vũ khí rất tốt và tiềm năng của chúng vẫn còn rất lớn”, tướng J. Dickinson nói, khi đánh giá về các tổ hợp tên lửa đánh chặn cơ động THAAD và Patriot PAC-3.
“Bộ đôi” Patriot và THAAD được thiết kế để đối phó tốt với các dòng tên lửa đạn đạo tầm trung của đối phương.
Dù vẫn còn những nghi ngờ về tính năng của các dòng tên lửa đánh chặn nói trên, khi Patriot đã nhiều lần thể hiện kém thuyết phục trong thực chiến hay THAAD chưa bao giờ được “thử lửa”, nhưng giới chức quân sự Mỹ tin rằng, những vấn đề kỹ thuật đó có thể được khắc phục trong tương lai gần.
Mỹ cũng đang phác thảo chương trình phát triển vũ khí đánh chặn hợp nhất thế hệ mới. Thế mạnh của tổ hợp vũ khí đánh chặn mới là khả năng tự động hóa cao giúp giảm thời gian phản ứng và hệ thống ra-đa đa chức năng mới mạnh mẽ, có tầm giám sát lớn hơn.
Trong thời gian chờ đợi tổ hợp vũ khí đánh chặn mới xuất hiện, các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ được nâng cấp theo khuôn khổ chương trình Indirect Fire Protection Capability Increment 2 (tạm dịch: Cải thiện khả năng phòng thủ gián tiếp 2).
Quân đội Mỹ thiếu các tổ hợp vũ khí phòng thủ hiệu quả như Pantsir-S1 hay Buk-M3 của Nga
Theo đánh giá của chuyên gia quân sự, lãnh đạo Trung tâm phân tích Chiến lược và công nghệ Nga, Konstantin Makienko, việc Mỹ thay đổi chiến lược phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không đã bộc lộ những yếu kém cố hữu trong lĩnh vực này của Lầu Năm góc.
“Mỹ buộc phải thay đổi chính sách phát triển “lá chắn tên lửa” vì Lầu Năm góc thiếu các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn và trung hiệu quả. Quân đội Mỹ hiện thiếu những tổ hợp vũ khí phòng không hiệu quả như Pantsir-S1 và Buk-M3 tương tự của Nga”, ông K. Makienko nhận định.
Chuyên gia K. Makienko nhận định, một vấn đề khác là sự rắc rối trong quy trình chỉ huy của hệ thống chỉ huy phòng thủ tên lửa của Mỹ. Việc Quân đội Mỹ coi trọng vấn đề đơn giản hóa quy trình chỉ huy trong lĩnh vực này là minh chứng rõ ràng.
Trong nhiều thập kỷ qua, với ưu thế gần như tuyệt đối về quân sự, đặc biệt là không quân, Quân đội Mỹ rõ ràng thiếu nhiều loại vũ khí phòng không-phòng thủ tên lửa cần có.
Với sự gia tăng các mối nguy cơ từ các loại vũ khí tiến công siêu thanh thế hệ mới, những lỗ hổng nguy hiểm này đã bộc lộ và Lầu Năm góc đang cố gắng lấp đầy chúng bằng chiến lược phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không mới.