Mỹ đã vô tình "hiến dâng" kho báu công nghệ UAV quân sự cho Nga như thế nào?

Tú Anh |

Tháng 11/1969, Mỹ đã "hào phóng" gửi tặng cho Nga một "món quà" Giáng sinh sớm. Đó là một cỗ máy kiểu dáng khá đẹp, tương đồng đến kỳ lạ với mẫu máy bay do thám SR-71 Blackbird.

Tuy nhiên, sự "hào phóng" đó của người Mỹ hoàn toàn không có chủ ý. Trên thực tế, "món quà" Giáng Sinh là một máy bay không người lái (UAV) tiên tiến được Mỹ phái đi để thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh trinh sát các địa điểm hạt nhân của Trung Quốc.

Chiếc UAV đã hoàn tất những gì mà nó được giao cho đến khi không thể quay trở lại nơi xuất phát và tiếp tục bay lạc hướng về phía Bắc vào Siberia và rồi gặp nạn rơi xuống đất.

Dự án UAV trinh sát tuyệt mật

Câu chuyện kể trên chính là số phận của chiếc máy bay không người lái D-21. Với cặp cánh hình delta duyên dáng, D-21 giống như một chiếc SR-71 thu nhỏ. Đây không phải là sự tương đồng ngẫu nhiên bởi chúng đều là con đẻ của Skunk Works - phòng nghiên cứu danh tiến trực thuộc tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed, nơi khởi xướng nhiều dự án tuyệt mật.

D-21 ban đầu được thiết kế để phóng đi từ đuôi một chiếc SR-71 có tốc độ Mach 3 và hoạt động ở trần cao tối đa 85.000 feet.

Ý tưởng chế tạo D-21 hình thành vào giữa những năm 1960 như một giải pháp cho vấn đề tiến hành các hoạt động do thám Liên Xô.

Các tên lửa đất đối không của Liên Xô lúc đó, giống như loại đã bắn hạ chiếc máy bay trinh sát U-2 năm 1960 khiến cho các nhiệm vụ chụp ảnh do thám của Mỹ trở nên nguy hiểm hơn. SR-71 có thể bay đủ cao và đủ nhanh để đảm bảo độ an toàn, nhưng tại sao lại phải mạo hiểm sử dụng một chiếc máy bay có người lái trong khi sứ mệnh này có thể thực hiện được bằng robot?

Chính từ đây, ý tưởng về D-21 ra đời và được thiết kế gắn ở phía trên M-21, biến thể hai chỗ ngồi đặc biệt của SR-71.

Theo lộ trình thì sau khi hoàn thành nhiệm vụ, D-21 sẽ phóng ra hộp đựng phim rồi được một chiếc máy bay C-130 thu nhận giữa không trung. Tuy nhiên, các sự cố liên quan tới quá trình phóng, trong đó có một vụ tai nạn làm rơi chiếc M-21 khiến một phi hành đoàn tử vọng nên B-52H đã được chọn làm phương tiện phóng mới cho các UAV D-21B cải tiến sau này.

Thế nhưng thật không may, dự án đã không diễn ra như kế hoạch.

Mỹ đã vô tình hiến dâng kho báu công nghệ UAV quân sự cho Nga như thế nào? - Ảnh 1.

B-52 trang bị các biến thể D-21 cải tiến. Ảnh: KQ Mỹ

Món quà vô giá người Mỹ "hào phóng" ban tặng cho Nga

Tất cả có 4 chuyến bay của B-52 mang theo các UAV D-21B cất cánh từ đảo Guam hướng tới mục tiêu là khu thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc ở Lop Nor nhưng cuối cùng đều thất bại.

Trong số ba phi vụ cuối thì hai chiếc đã không thể chuyển được hộp đựng phim, rơi xuống Thái Bình Dương còn một bị rơi ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều thú vị lại diễn ra với sứ mệnh đầu tiên vào tháng 11/1969. Chiếc UAV D-21B xâm nhập không phận Trung Quốc, rồi tiếp tục bay qua lãnh thổ Nga nhưng đến đây thì nó bị rơi.

Theo hai nhà sử học hàng không Nga Yefim Gordon và Vladimir Rigamant thì "đối với ngành chế tạo máy bay Liên Xô, sự kiện là một món quà vô giá bởi đó là một cỗ máy khá nhỏ gọn với các thiết bị trinh sát tiên tiến nhất lúc đó và được thiết kế để thực thi các chuyến bay do thám nhiều giờ liền ở tốc độ siêu âm dưới điều kiện nhiệt động học cực lớn".

"Nhiều doanh nghiệp và tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp máy bay, điện tử và quốc phòng Nga đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế của D-21 cùng với các vật liệu và thiết bị được sử dụng để chế tạo ra nó".

Mỹ đã vô tình hiến dâng kho báu công nghệ UAV quân sự cho Nga như thế nào? - Ảnh 2.

Máy bay do thám SR-71 tại bảo tàng hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ. Ảnh: Flickr

Kết quả là Nga đã cho ra đời dự án Voron (Raven) để phát triển một máy bay không người lái trinh sát chiến lược siêu thanh.

Voron được phóng đi bằng máy bay ném bom Tu-95 hoặc Tu-160. Sau khi tách ra, một động cơ đẩy tăng cường nhiên liệu rắn sẽ tăng tốc chiếc UAV lên vận tốc siêu âm.

Chiếc máy bay sau đó sẽ di chuyển theo một đường bay lập trình sẵn bằng cách sử dụng một hệ thống dẫn đường quán tính. Khi UAV trở về căn cứ, hộp đựng phim sẽ được đẩy ra và tiếp đất bằng dù, sau đó máy bay không người lái mới hạ cánh.

Thế nhưng, cũng giống như các máy bay trinh sát có người lái, số phận của Voron được định đoạt bởi sự ra đời của các vệ tinh gián điệp có thể bay trên lãnh thổ nước ngoài mà không sợ bị bắn hạ.

Một lợi thế khác nữa của các vệ tinh là chúng sẽ không rơi xuống đất và rồi sau đó bị đối phương thu hồi bí mật như từng xảy ra với D-21.

Mặc dù vậy, chẳng ai có thể "trách mắng" Liên Xô không "hào hiệp" như Mỹ.

Vào giữa những năm 1980, Ben Rich, một kỹ sư của Lockheed, người từng làm việc cho dự án D-21 nhớ lại đã được một nhân viên CIA trao cho một tấm kim loại. Đó là một mảnh vỡ của chiếc D-21 đã bị rơi ở Siberia và được một người chăn cừu tìm thấy. Mảnh vỡ đó được trao trả lại bởi một điệp viên KGB!

"Truyền nhân" bí ẩn của huyền thoại SR-71 Blackbird

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại