Trong tuyên bố của mình, hải quân Mỹ cho hay USS Milius “sẽ hỗ trợ cho an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách đóng vai trò như một nền tảng phòng thủ tên lửa đạn đạo”.
USS Milius xuất hiện tại căn cứ Yokosuka ba tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore. Động thái phô trương lực lượng này có thể được xem là lời nhắc nhở gửi đến Bình Nhưỡng rằng trong nỗ lực buộc nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Washington vẫn có thể dùng đến sức ép về quân sự.
Để phản đối Mỹ- Hàn tập trận không quân chung, Triều Tiên tuần trước đe dọa xem xét lại khả năng thượng đỉnh Mỹ- Triều, và tuyên bố sẽ rút khỏi nếu Mỹ tiếp tục đơn phương kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.
Đáp trả lại, Tổng thống Trump cảnh cáo chính quyền của ông Kim sẽ “bị lung lay” nếu không đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa.
Công tác triển khai USS Milius đến Nhật đã bị trì hoãn gần một năm, vì tàu này phải trải qua một đợt trang bị hệ thống phòng không Aegis.
Được trang bị tên lửa có khả năng bắn hạ các đầu đạn trên không, USS Milius sẽ nằm trong lực lượng tàu khu trục của hải quân, đóng vai trò là hàng phòng thủ đầu tiên chống lại các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo.
USS Milius cùng với hai tàu khác (cũng đã được nâng cấp) giúp khôi phục lại sức mạnh của lực lượng tàu khu trục của Hạm đội 7, vốn bị tổn hại sau tai nạn va chạm với các tàu thương mại năm 2017.