Trung Quốc nỗi lo chồng chất nỗi lo: Băng tan ở Triều Tiên, Đài Loan lại nóng rực lửa

Thủy Thu |

"Tình hình bán đảo Triều Tiên tồi tệ đến cực điểm hay tốt đẹp đến khó tin đều là tín hiệu xấu đối với Bắc Kinh", một quan chức ngoại giao Trung Quốc giấu tên chia sẻ.

Theo giới phân tích, sau hai chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Bắc Kinh đã tạo dựng được vị thế vững chắc trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên mới đây, Đa chiều (Mỹ) dẫn lời một quan chức ngoại giao Trung Quốc giấu tên cho biết, thực tế trong bối cảnh có những diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, Bắc Kinh vẫn tồn tại những nỗi lo.

Đó là, vấn đề hạt nhân Triều Tiên có thể tuột dốc hoặc cán cân an ninh mới sau khi vấn đề hạt nhân Triều Tiên được giải quyết thuận lợi.

Theo ông này, vấn đề hạt nhân Triều Tiên từng trầm trọng vào năm 2017, thậm chí có thời điểm dường như đẩy cục diện bán đảo đến bờ vực chiến tranh. Bắc Kinh khi đó đã lo sợ làn sóng người tị nạn Triều Tiên - có thể được hình thành sau cuộc xung đột quy mô lớn - tràn sang khu vực biên giới Đông Bắc, ảnh hưởng tới công cuộc cải cách trong nước của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng lo ngại trước động thái Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại Hàn Quốc. Mỹ-Hàn khẳng định hệ thống THAAD này không nhằm vào Bắc Kinh còn Bắc Kinh cáo buộc điều ngược lại - nên Trung Nam Hải vừa "bật chế độ" cảnh giác cao độ trước tương lai của Bình Nhưỡng, vừa đề phòng trước áp lực an ninh của liên minh Hàn-Mỹ.

"Những nguy cơ chính phủ Trung Quốc nhận thấy không chỉ có vậy", vị quan chức giấu tên cho biết, vấn đề hạt nhân Triều Tiên thay đổi 180 độ trong năm nay cũng khiến Trung Nam Hải đối mật với khó khăn lớn và khó thích ứng.

"Trung Quốc sẽ đối phó thế nào trước thay đổi to lớn này, tình hình tồi tệ đến cực điểm hay tốt đẹp đến tận cùng đều là tín hiệu xấu đối với Trung Quốc". Tuy nhiên ông này cho rằng, Trung Quốc không mong muốn tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên tồi tệ.

Quan chức Trung Quốc nhận định, trước đây, Bắc Kinh lo ngại một cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên sẽ bùng phát trước "cửa nhà" còn hiện nay Trung Quốc lo ngại nếu vấn đề hạt nhân được giải quyết, cục diện an ninh khu vực Đông Bắc Á sẽ xuất hiện điểm bùng phát mâu thuẫn mới để thực hiện quá trình tái cân bằng mà trong quá trình tái cân bằng này, eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ là điểm bùng phát thích hợp nhất.

Quá trình tái cân bằng eo biển Đài Loan, ngoài Đại lục-Đài Loan là chiến trường chính thì Nhật Bản cũng có thể bị kéo vào cuộc đấu, quan chức Trung Quốc nhận định.

"Do đó, hiện nay chính phủ Trung Quốc vô cùng thận trọng khi xây dựng chính sách đối ngoại hơn bất kỳ giai đoạn nào khác", quan chức Trung Quốc nói, trong tình hình hiện nay, một bước đi sai sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền không thể đảo ngược. Do đó, Trung Quốc vừa đang tác động lên Triều Tiên vừa canh chừng chính quyền bà Thái Anh Văn ở Đài Bắc, vừa đề phòng trước sức mạnh của Nhật Bản.

Ông này cho biết, chính phủ Trung Quốc luôn lo lắng Tokyo không ngừng tăng cường sức ảnh hưởng chính trị và quân sự với Đài Loan trong khi Đài Bắc với tư tưởng "đòi độc lập" sẽ nhanh chóng ngả về phía Tokyo nên có thể sẽ dẫn đến cuộc đối đầu leo thang khó thể kiểm soát ở hai bờ eo biển.

Điều này khiến chính phủ Trung Quốc phải cẩn thận đánh giá tình hình hiện tại và xây dựng một chính sách hợp lý cho Đài Loan và Nhật Bản.

Đội bay Trung Quốc tuần tra quanh đảo Đài Loan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại