Sự kiện phá hủy bãi thử hạt nhân ở Triều Tiên: Phóng viên quốc tế có mặt đầy đủ trừ Hàn Quốc

Phương Anh |

Các nhà báo nước ngoài bắt đầu có mặt tại Wonsan, Triều Tiên sẵn sàng chứng kiến sự kiện phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri dự định diễn ra vào một trong các ngày từ 23-25/5.

Theo Sputnik, máy bay chở các nhà báo nước ngoài đến ''Sự kiện Punggey-ri'' xuất phát vào khoảng 9h40 sáng (giờ địa phương) từ Bắc Kinh, Trung Quốc và hạ cánh ở sân bay Kalma, gần thành phố Wonsan, Triều Tiên.

Phóng viên Sputnik cho biết không có đại diện nào của truyền thông Hàn Quốc xuất hiện trên máy bay. Trước đó sự kiện phá hủy bãi thử hạt nhân dự kiến mời các nhà báo đến từ Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc đến đưa tin.

Theo ban tổ chức, các nhà báo sẽ đến bãi thử hạt nhân ngày 23/5 nếu điều kiện thời tiết cho phép.

Theo báo Hàn Yonhap News, Triều Tiên không chấp nhận danh sách nhà báo được chọn của Hàn Quốc để đưa tin sự kiện. Bộ thống nhất Hàn Quốc cho biết đã thử gửi danh sách lại lần nữa qua kênh liên lạc giữa hai bên nhưng Triều Tiên không trả lời.

Kế hoạch đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri được cơ quan thông tấn Triều Tiên đưa ra bao gồm phá hủy lối vào bãi thử cũng như các công trình bao quanh, rút hết các nhà khoa học và nhân sự an ninh khỏi địa điểm này. Theo đó tòa nhà viện nghiên cứu, đồn bảo vệ và những công trình mặt đất khác sẽ bị cho nổ tung.

Vào hồi đầu tháng 5 vừa qua, tại cuộc họp của Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên quyết định ngưng tất cả các thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa và đóng cửa bãi thử hạt nhân ở phía Bắc đã được thông qua.

Quyết định đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggey-ri của Bình Nhưỡng từng được truyền thông quốc tế nhận định là kết quả tích cực sau Hội nghị liên Triều hôm 27/4 vừa qua. Thậm chí Bình Nhưỡng còn thông báo sẽ miễn thị thực cho đoàn phóng viên Hàn Quốc đến Wonsan.

Việc phóng viên và các cơ quan thông tấn của Hàn Quốc chưa có mặt tại Wonsan sẽ khiến những người lạc quan nhất cũng sẽ có dự cảm xấu về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, sau thời gian ngắn có dấu hiệu ấm dần lên và liên tục có những động thái tích cực kể từ khi ''Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm (Panmunjom) về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên" được hai nhà lãnh đạo ký kết.

Tuy nhiên việc Bình Nhưỡng phản đối gay gắt cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn diễn ra từ 14-22/5 và đột ngột hủy bỏ hội đàm cấp cao tại Bàn Môn Điếm hôm 16/5 làm dấy lên mối lo ngại về tình hình căng thẳng sẽ sớm quay trở lại bán đảo Đông Bắc Á này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại