Bài thuyết trình "mờ ám"
Vào tháng 8/2013, Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei 'Sabrina' Mạnh Vãn Chu gặp một quan chức ngân hàng HSBC và thực hiện một điều mà bất kì lãnh đạo công ty nào cũng thuần thục: thuyết trình bằng PowerPoint.
Nhưng theo phía Mỹ, bài thuyết trình này có rất nhiều vấn đề: nội dung của nó nói về việc gian lận, giúp Huawei tìm cách né tránh cấm vận của Mỹ và EU đối với Iran và tổng giá trị vụ việc lên tới hàng trăm triệu USD. Theo SCMP, chứng cứ đặc biệt này là mấu chốt chính trong vụ kiện của Mỹ đối với bà Mạnh sau vụ bắt giữ CFO Huawei vào ngày 1/12 vừa qua tại Canada.
Vụ bắt giữ đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Chính quyền Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Mỹ và Canada để cảnh báo về "những hậu quả khủng khiếp" nếu không thả bà Mạnh. Hai công dân Canada sau đó đã bị Trung Quốc bắt giữ.
Slide 2 trong PowerPoint thuyết trình của Huawei với ngân hàng HSBC. Ảnh: Tòa án Tối cao B.C.
Dù Bắc Kinh tuyên bố rằng vụ bắt giữ 2 người Canada vì nghi ngờ liên quan tới hoạt động phá hoại an ninh quốc gia nhưng nhiều người cho rằng đây là động thái nhằm trả đũa vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.
Nội dung của 17 slide trong bài thuyết trình PowerPoint của bà Mạnh và những suy đoán của Mỹ xoay quanh các nội dung bài nói đã được trình lên Tòa án Tối cao British Columbia. Đây cũng là nơi thẩm phán quyết định cho phép bà Mạnh Vãn Chu tại ngoại với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD. Hiện tại, Mỹ chưa yêu cầu dẫn độ.
Cả phía công tố viên Mỹ và đoàn luật sư của bà Mạnh đều đồng ý rằng bài thuyết trình - ban đầu được bà Mạnh nói với sự trợ giúp của phiên dịch viên tiếng Anh - có nội dung nhằm làm giảm bớt sự lo ngại của ngân hàng HSBC rằng Huawei đang vi phạm cấm vận của Mỹ thông qua việc làm ăn với Iran, và sau đó thuyết phục HSBC làm điều tương tự.
Được biết, HSBC rất e ngại các công tố viên Mỹ. Năm 2012, ngân hàng này đã đồng ý trả khoản tiền phạt lên tới 1,9 tỉ USD để tránh bị cáo buộc vì tội rửa tiền.
Phía Mỹ cho rằng bài thuyết trình đã cho thấy bà Mạnh có hành vi gian dối. Các luật sư đã phản bác lại ý kiến này. David J. Martin, luật sư của bà Mạnh tại buổi điều trần hôm 7/12, nói: "Suy đoán cho rằng bản PowerPoint hồi năm 2013 nhằm thuyết phục [HSBC] tiếp tục cung cấp dịch vụ tài chính là hoàn toàn vô lí".
"Chưa tính tới việc liệu tài liệu này có thể dẫn dắt [HSBC] phạm pháp hay không, rõ ràng cần phải xem xét lại [ý định phạm tội] của bà Mạnh Vãn Chu bởi đây là tài liệu được soạn bởi một bộ phận lớn trong công ty Huawei."
Sai lệch thông tin tới ngân hàng
Bài PowerPoint đã tập trung vào bà Mạnh và mối quan hệ của Huawei với công ty Skycom Tech, một hãng Hồng Kông có giao dịch thương mại với Huawei tại Iran.
Slide 3-4 trong PowerPoint thuyết trình của Huawei với ngân hàng HSBC, có đề cập tới cấm vận nhằm vào Iran. Ảnh: Tòa án Tối cao B.C.
John Gibb-Carsley - một luật sư của chính phủ Canada, đại diện cho Mỹ - phát biểu tại buổi điều trần: "Do không biết đến các ngân hàng, họ đã vô tình tiến hành kinh doanh với Skycom, vi phạm các biện pháp trừng phạt".
Sau bài báo của Reuters cho rằng bà Mạnh có liên quan tới Skycom, các ngân hàng trở nên quan ngại về mối quan hệ giữa Huawei và công ty này. Sau đó, bà Mạnh đã "tự nói với các ngân hàng rằng Huawei đã tách biệt khỏi Skycom".
"Nhưng trên thực tế, hai công ty này không tách rời nhau. Skycom là Huawei. Đây là mấu chốt sai lệch trong thông tin."
Theo yêu cầu bắt giữ của Mỹ, bà Mạnh đã thực hiện bài thuyết trình bằng tiếng Trung Quốc và được phiên dịch viên "dịch sang tiếng Anh chính xác".
Slide 5-6 trong PowerPoint thuyết trình của Huawei với ngân hàng HSBC, có đề cập tới cấm vận nhằm vào Iran và hợp tác với Skycom. Ảnh: Tòa án Tối cao B.C.
HSBC đã yêu cầu một bản dịch tiếng Anh của bài PowerPoint. Bà Mạnh đã sắp xếp để chuyển bản dịch này cho ngân hàng vào ngày 3/9/2013.
Bộ phận pháp lí của Huawei đã cung cấp bản dịch tiếng Anh nói trên cho tòa án BC. Trong đó có đoạn: "Hoạt động của Huawei tại Iran tuân thủ chặt chẽ luật pháp, quy định và cấm vận của Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU. Huawei hợp tác với Skycom như những doanh nghiệp thông thường khác."
Theo nội dung của PowerPoint, bà Mạnh nói: "Huawei từng là cổ đông tại Skycom, và tôi cũng từng là một thành viên trong hội đồng quản trị của Skycom. Đây là điều cần thiết để quản lí đối tác và giúp Skycom tuân thủ tốt hơn các yêu cầu quản lí liên quan".
Tuy nhiên, chiếc lược này là không cần thiết bởi vì "Huawei sẽ hợp tác với Iran thông qua các công ty con tại địa phương".
"Vì vậy, Huawei đã bán hết cổ phiếu tại Skycom, và tôi cũng rời khỏi hội đồng quản trị của công ty này."
Nhưng phía Mỹ lại cho rằng: "Skycom hoạt động như là công ty liên kết với Huawei có trụ sở tại Iran để tiếp tục được hưởng dịch vụ ngân hàng. Bà Mạnh và các đại diện của Huawei đã liên tục nói dối về bản chất của mối quan hệ giữa hai công ty này."
Một số nội dung liên quan khác về việc Huawei có nhận thức được rủi ro khi giao dịch thương mại với Iran.
Đại diện Mỹ cho biết hành vi gian lận này sẽ giúp Huawei chuyển tiền ra khỏi Iran và các quốc gia bị cấm vận khác thông qua hàng loạt ngân hàng với tổng giá trị giao dịch lên tới hàng trăm triệu USD.
Mặc dù bài thuyết trình của bà Mạnh miêu tả mối quan hệ giữa Huawei và Skycom là "đối tác", nhưng Mỹ cho rằng "Huawei không 'hợp tác' với Skycom mà Skycom hoàn toàn được điều hành bởi Huawei".
"Bà Mạnh không chỉ tự thuyết trình, mà trong cả bài thuyết trình bằng chữ và bằng lời bà Mạnh đều nói bằng ngôi thứ nhất, xưng là 'tôi'. Điều này ám chỉ rằng bà Mạnh nhận thức được những nội dung xoay quanh phát ngôn của mình".
HSBC sau đó dựa vào bài thuyết trình của bà Mạnh để tiếp tục làm ngân hàng đối tác của Huawei.
Biên bản cuộc họp của phòng rủi ro ở HSBC có đoạn: "Huawei nói rằng cổ phiếu tại Skycom đã được bán hết vào năm 2009 và bà Mạnh Vãn Chu đã rời khỏi hội đồng quản trị của Skycom vào tháng 4/2009... HSBC nhất trí tiếp tục DUY TRÌ mối quan hệ với Huawei..."
Cuộc bắt giữ đột xuất
Yêu cầu bắt giữ tạm thời "khẩn cấp" đã được giao cho Canada vào ngày 30/11.
Theo đó, vào ngày 29/11, Mỹ đã phát hiện rằng bà Mạnh sẽ đi từ Hồng Kông tới Canada và dừng chân tại điểm cuối ở Mexico bằng hộ chiếu Hồng Kông.
"Chính quyền Mỹ tin rằng, xét trên mọi tình huống, trừ khi bà Mạnh bị bắt giữ tại Canada vào ngày 1/12/2018 trong khi chờ quá cảnh, thì sẽ rất khó - thậm chí là bất khả thi - để đảm bảo rằng bà Mạnh có mặt trong cuộc xét xử tại Mỹ," yêu cầu viết.
Hai bức ảnh của bà Mạnh Vãn Chu cũng được đính kèm để cảnh sát Canada có thể nhận dạng.
Vào khoảng 11:30 sáng (giờ Canada) ngày hôm sau, bà Mạnh xuống Vancouver từ chuyến bay Cathay Pacific CX838 và nghĩ rằng sẽ chỉ dừng lại đây 12 tiếng.
Nhưng thay vào đó, bà phải đem căn nhà trị giá 4,2 triệu USD để bảo lãnh, chịu sự theo dõi 24/24 bởi nhân viên an ninh và phải đeo vòng chân định vị GPS.
Phiên tòa tiếp theo dự tính sẽ diễn ra vào ngày 6/2 để xác định ngày dẫn độ. Có thể sau nhiều tháng nữa bà Mạnh mới rời khỏi Canada.
Còn theo Bloomberg, công ty Skycom đã giải thể vào năm ngoái.