Vụ Huawei: "Muối mặt" chịu lép vế trước Mỹ, ông Tập chấp nhận thua trận nhỏ để thắng trận lớn?

Hồng Anh |

Chuyên gia Mỹ nhận định, những động thái nhượng bộ gần đây của Trung Quốc chẳng qua chỉ là muốn "giấu bụi dưới thảm" nhằm đạt được tham vọng cao hơn trong cuộc thương chiến với Mỹ.

Theo Business Insider, sau nhiều tháng hai nước Mỹ-Trung đối đầu căng thẳng về thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng cũng đã ghi một bàn thắng "vẻ vang" trước người đồng cấp Tập Cận Bình.

Cụ thể, phía Bắc Kinh đã đồng ý nhượng bộ trước Mỹ trong nhiều điều khoản, trong đó bao gồm tuyên bố hoãn một chính sách rất quan trọng đối với nền kinh tế của nước này: Made in China 2025.

Tuy nhiên, rất có thể đây là chủ ý chấp nhận "thua trận nhỏ để thắng trận lớn" của ông Tập.

Vừa qua, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã tuyên bố đang cân nhắc hoãn một số mục tiêu trong kế hoạch "Made in China 2025" trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố giải quyết những bất đồng với Washington trong lĩnh vực thương mại.

Chính sách trên được ông Tập đưa ra với mục đích giúp Trung Quốc trở thành siêu cường thống lĩnh trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, bằng những sản phẩm "made in China" - do chính Trung Quốc sáng tạo và sản xuất.

Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã tạm hoãn mục tiêu trên, và mở cửa nền kinh tế của mình cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông John Hemmings, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Viện Henry Jackson Society, cho biết việc Trung Quốc chấp nhận "lùi bước" lần này đã khiến rất nhiều người sửng sốt, bởi "kế hoạch này do chính ông Tập đứng tên".

Ngoài ra, một bước nhượng bộ lớn khác của Trung Quốc là tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn mặt hàng đậu tương của Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đã cắt giảm mức thuế nhập khẩu ô tô Mỹ từ 40% xuống 15%, trong khi mức thuế nhập khẩu mặt hàng này trước khi cuộc thương chiến nổ ra là 25%.

"Con cưng" Huawei của Trung Quốc liên tục bị "đánh úp" và tẩy chay

Trong cuộc gặp song phương hôm 1/12 vừa qua tại thủ đô Buenos Aires của Argentina, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, hai ông Trump-Tập đã đạt được một thỏa thuận đình chiến, "đóng băng" cuộc chiến thuế quan tạm thời trong vòng 90 ngày, để hai bên tiếp tục tiến hành đàm phán và thông qua đó giải quyết những bất đồng trong vấn đề thương mại.

Bữa tối của hai ông đã kết thúc trong tiếng vỗ tay và sự nhẹ nhõm trong lòng nhiều người, bởi thỏa thuận đình chiến trên được đánh giá là một dấu hiệu đáng mừng trong cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nước.

Tuy nhiên, đó chỉ là những gì diễn ra trên bề nổi. Thực tế, vào đúng ngày diễn ra cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo, phía Mỹ đã yêu cầu Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Huawei - Mạnh Vãn Chu - với lí do bà này gian lận, lách lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Vụ việc được cho là có liên quan ít nhiều tới các cuộc đàm phán thương mại của hai nước.

Vụ Huawei: Muối mặt chịu lép vế trước Mỹ, ông Tập chấp nhận thua trận nhỏ để thắng trận lớn? - Ảnh 2.

Người dân Trung Quốc ủng hộ tập đoàn Huawei và kêu gọi chính phủ Canada trả tự do cho Giám đốc Tài chính của tập đoàn này. Ảnh: David Ryder/Reuters

Tất nhiên, như thường lệ, phía Trung Quốc đã "nổi nóng" vì vụ bắt giữ trên và yêu cầu Canada thả bà Mạnh ngay lập tức, đồng thời cáo buộc Canada vi phạm nhân quyền.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng không quên cảnh báo Mỹ và Canada về những "hậu quả nghiêm trọng", nếu như bà Mạnh tiếp tục bị giam giữ. Căng thẳng giữa 3 nước này càng leo thang hơn nữa, khi phía Bắc Kinh tiến hành 2 công dân Canada, một người là nhà cựu ngoại giao, và người kia là một doanh nhân khá nổi tiếng.

Cũng trong giai đoạn này, Anh và Canada - hai đồng minh của Mỹ - đã từ chối cho Huawei triển khai mạng 5G tại các nước này, do lo sợ mạng 5G của Huawei sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Sở dĩ có mối lo ngại trên, là bởi tuy Huawei không phải là doanh nghiệp nhà nước, nhưng tập đoàn này được cho là có mối quan hệ khá thân thiết với chính phủ Trung Quốc. Do đó, nhiều nước phương Tây lo ngại Bắc Kinh sẽ lợi dụng mối quan hệ này cho hoạt động tình báo và thu thập thông tin.

Phía Huawei đã nỗ lực bày tỏ thiện chí trước làn sóng "tẩy chay" này:

"Chúng tôi sẽ làm tất cả những điều cần thiết để chuyển đổi", ông Vincent Peng, Giám đốc chi nhánh Huawei tại khu vực Tây Âu, cho biết. "Tái cơ cấu tổ chức, xây dựng lại dây chuyền, sản xuất sản phẩm mới... Quy trình sản xuất, năng lực kỹ thuật, kĩ năng cá nhân... bất cứ điều gì".

"Những tập đoàn công nghệ của Trung Quốc nhận ra rằng, nếu họ không được tiếp cận thị trường Mỹ và các nước phương Tây, thì họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản trong vài ngày", chuyên gia Hemmings nhận định.

Ngay sau khi có thông tin bà Mạnh bị bắt giữ tại Canada, chứng khoán toàn cầu đã giảm mạnh, đã run rẩy vì sợ những cuộc đàm phán thương mại của hai nước Trung-Mỹ sẽ không đạt được kết quả tốt đẹp. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Tại Argentina, phía Trung Quốc đã cam kết sẽ "thực hiện những lời hứa của mình ngay lập tức" về những điều đã thỏa thuận với Mỹ, trong đó bao gồm "nông sản, ô tô và năng lượng". Và Bắc Kinh đã thực sự làm điều đó.

Điều này có nghĩa là, tuy Trung Quốc rất tức giận về vụ bắt giữ CFO và sẵn sàng trả đũa Canada, nhưng họ vẫn "nhẫn nhịn" thực hiện thỏa thuận với ông Trump.

Thua trận nhỏ để thắng trận lớn?

Năm 2017, các cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã viết trong bài xã luận đăng trên tờ New York Times rằng hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc khiến Mỹ tổn thất đến 600 tỉ USD mỗi năm, thậm chí nhiều hơn mức thâm hụt thương mại giữa hai nước.

Theo chuyên gia Hemmings, những động thái nhượng bộ gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này đang định "giấu bụi dưới thảm" - mà "bụi" ở đây chính là thuế quan - với mục đích nhằm giảm áp lực của Mỹ đối với những tham vọng của nước này trong ngành công nghệ.

Vụ Huawei: Muối mặt chịu lép vế trước Mỹ, ông Tập chấp nhận thua trận nhỏ để thắng trận lớn? - Ảnh 4.

Ảnh: Thomas Peter-Pool/Getty Images.

"Trung Quốc vẫn còn những tham vọng địa chính trị lớn, mà trong đó ngành công nghệ và các công ty trong ngành này đóng vai trò rất quan trọng", ông Hemmings nói.

"Có vẻ như ông Tập đã tự lấy thân đỡ 'cú đòn' của Mỹ khi phải hoãn lại những tham vọng trong kế hoạch Made in China 2025, nhưng chúng ta cần nhìn vào thực tế thì mới biết được việc chuyển giao công nghệ có thật sự dừng lại hay không", chuyên gia này cho biết.

Các cuộc đàm phán cấp cao gần đây của hai nước Mỹ và Trung Quốc có tính chất gần giống các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông Trump cũng từng có cuộc gặp đầy lạc quan và triển vọng với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về vấn đề phi hạt nhân hóa, tuy nhiên 6 tháng sau khi cuộc họp kết thúc, điều đó vẫn chưa diễn ra như Mỹ mong muốn.

Tương tự, các chuyên gia cho rằng những mưu tính của Trung Quốc sâu xa hơn rất nhiều so với những gì họ đang thể hiện. Tuy họ đang phải chịu thua, chịu mất mặt trước Mỹ, nhưng phía sau "màn thua" này, họ vẫn đang nỗ lực nhằm đạt được mục đích thay thế vị trí siêu cường số 1 thế giới của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại