Tại buổi họp báo sau cuộc gặp nhà lãnh đạo Kim vào chiều qua, 28-2, Tổng thống Trump tuyên bố hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận là do hai nước khác biệt về những biện pháp trừng phạt. “Tất cả đều là về các biện pháp trừng phạt” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump phát biểu tại buổi họp báo trước khi rời Hà Nội.
“Về cơ bản, họ muốn các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn và chúng tôi không thể làm điều đó”. Ông cũng cho biết hai bên hiện chưa có kế hoạch tổ chức thượng đỉnh lần thứ ba.
Câu chuyện tình ngắn ngủi
Theo báo The Washington Post, việc “rút lui thân thiện”, như lời Tổng thống Trump tuyên bố hôm qua, khỏi cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Kim có thể khơi lại một cuộc đấu khẩu giữa hai bên. Triều Tiên có thể lại bắt đầu thử nghiệm tên lửa hoặc vũ khí hạt nhân, đánh dấu sự trở lại với tình trạng căng thẳng tăng cao. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn, không loại trừ nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột với thương vong lớn.
Cũng theo tờ báo trên, hầu hết các chuyên gia cho rằng khả năng xung đột là thấp nếu nguy cơ đó hiện hữu. “Triều Tiên sẽ không tấn công chúng ta nếu chúng ta không tấn công họ. Sự ngăn chặn vẫn tiếp tục duy trì” - ông David Kang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Triều Tiên của ĐH Nam California (Mỹ), nhận định .
Tuy nhiên, việc đổ vỡ các cuộc đàm phán vẫn có thể dẫn đến sự trở lại không mong muốn những diễn biến căng thẳng sau hơn một năm vận động ngoại giao cùng những tiến bộ đã đạt được.
“Công bằng mà nói, việc hai bên không ký bất kỳ nội dung gì không phải là điều mà phần lớn các nhà quan sát đang theo dõi mọi diễn biến cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim chờ đợi. Tôi nghĩ chúng ta cần phải nghe thêm nhiều chi tiết trong vài ngày hay vài tuần tới để phán đoán điều gì thật sự xảy ra. Tôi đánh giá sự kiện này đạt mức thành công C-, chờ nghe thêm thông tin” - nhận định của ông Mintaro Oba, người từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là chuyên gia bình luận ngoại giao cho các cơ quan truyền thông lớn như The New York Times, đài BBC…
Trong bình luận gửi cho The Straits Times, TS Lee Seong-hyon thuộc Viện Sejong (Hàn Quốc) đã viết: “Đây có thể là dấu chấm hết cho câu chuyện tình ngắn ngủi giữa ông Trump và ông Kim. Mặc dù ông Trump từng nói rằng có thể sẽ có nhiều cuộc gặp trong tương lai nhưng thực tế sẽ rất khó để Trump sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh thử nghiệm khác”.
Lý do, theo chuyên gia Lee, là chủ nhân Nhà Trắng có thể không thể tập trung thêm năng lượng chính trị và thời gian để chú ý đến Triều Tiên do ông đang sa vào các vụ bê bối cùng việc sớm phải đối mặt với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn còn chưa đồng thuận về vấn đề dỡ bỏ trừng phạt của Mỹ nhằm vào Bình Nhưỡng. Ảnh: CNN
Vẫn còn thời gian cho ngoại giao
Theo ông Christopher Green, cố vấn cao cấp của tổ chức International Crisis Group, đối với Mỹ, sẽ không thể chấp nhận được về mặt chính trị và là một ý tưởng khủng khiếp nếu đánh đổi tất cả biện pháp trừng phạt kinh tế để đổi lấy việc phá hủy khu phức hợp hạt nhân Yongbyon như yêu cầu của ông Kim.
“Người Triều Tiên sẽ biết người Mỹ khó có thể có được một thỏa thuận như vậy. Thế nên, tôi chỉ có thể tưởng tượng rằng cả hai bên đã quyết định trước rằng họ cảm thấy thoải mái khi tỏ ra cứng rắn trước dư luận trong nước bằng cách ra về tay không” - Reuters dẫn lời ông Green.
Nếu quá trình phi hạt nhân hóa mất ít hơn 10 năm thì đó sẽ là điều khó tin. Quan trọng hơn là phải thực hiện các bước hướng tới phi hạt nhân hóa và sẽ có những thăng trầm. Kiên nhẫn là từ khóa và ngày hôm nay không phải là một bước lùi.
Ông NOBORU YAMAGUCHI, một cựu tướng lĩnh thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Trong khi đó, ông David Kim thuộc Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhận định: “Miễn là cả ông Kim và ông Trump đều duy trì ý chí chính trị để tiếp tục đàm phán, chúng ta có thể hy vọng sẽ có tiến triển trong tương lai. Cả hai nhà lãnh đạo đều muốn duy trì mối quan hệ của họ và mong đạt được thỏa thuận tại một điểm nào đó trên hành trình”.
Ông Kim nhấn mạnh các cuộc đàm phán này “không phải là một thất bại, dù tiến trình lẽ ra có thể tốt hơn”.
Ông Kevin Martin, Chủ tịch tổ chức Hành động hòa bình và là điều phối viên của tổ chức Mạng lưới hòa bình Triều Tiên, cho rằng dù cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội chẳng may kết thúc mà không có thỏa thuận thì cũng không nên xem đó là một dấu hiệu cho thấy đối sách ngoại giao không phát huy hiệu quả.
Theo chuyên gia này, so với việc o ép về kinh tế hoặc đe dọa sử dụng vũ lực thì việc sử dụng các biện pháp ngoại giao tốt hơn nhiều trong việc tăng cường an ninh cho nước Mỹ và bán đảo Triều Tiên. “Đối sách ngoại giao (với Triều Tiên) cần thời gian và rõ ràng còn nhiều việc phải làm”.
Ông nói vậy và phát biểu thêm rằng các thành viên của Quốc hội Mỹ có thể giúp hướng dẫn tiến trình thực hiện đối sách ngoại giao theo hướng hiệu quả hơn. Cách thức sẽ là ủng hộ dự luật mới của hạ nghị sĩ Ro Khanna kêu gọi ký kết thỏa thuận hòa bình và thực hiện những bước quan trọng khác nhằm thúc đẩy các mục tiêu hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Phản ứng của các nước
Trung Quốc hôm qua, 28-2, tuyên bố giải pháp cho vấn đề bán đảo Triều Tiên không thể đạt được chỉ trong chốc lát. Đài CNN dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Trung Quốc sẽ đánh giá hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sau khi "nghe được tiếng nói có thẩm quyền" từ Mỹ và CHDCND Triều Tiên.
Bắc Kinh hy vọng Triều Tiên và Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đối thoại nhằm giải quyết vấn đề. Từ Seoul, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã ra tuyên bố bày tỏ sự thất vọng với kết quả cuộc gặp thượng đỉnh nhưng cũng thừa nhận hai bên đã "đạt được tiến bộ có ý nghĩa hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây", theo báo The Guardian.