Theo trang tin quân sự Defense News của Mỹ, chính quyền Washington cuối cùng đã đồng ý để hai bên xúc tiến hợp đồng trên.
Trước đó, vào tháng 1-2019, Lục quân Mỹ đã đề nghị Quốc hội nước này thông qua một khoản ngân sách quốc phòng 373 triệu USD để mua 2 khẩu đội Iron Dome gồm 2 xe phóng, 240 tên lửa đánh chặn, 2 xe radar và 2 xe chỉ huy tác chiến.
Lục quân Mỹ sẽ đưa vào sử dụng tạm thời 2 khẩu đội trên, trước khi chính thức đưa vào vận hành tổ hợp phòng không hoàn chỉnh của Israel vào năm 2023.
Giới phân tích cho rằng, Lục quân Mỹ mua hệ thống Iron Dome chỉ để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, trong khi chờ đợi đánh giá lại các lựa chọn với vũ khí trong nước.
Các thành phần của hệ thống Iron Dome. Ảnh: Rafael.
Lý do mà Lầu Năm Góc đưa ra cho quyết định này là nhằm giúp Lục quân Mỹ bảo vệ các đơn vị viễn chinh trước các vụ tấn công bởi pháo cối, rocket, tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) của đối phương tại những khu vực xung đột trên toàn cầu.
Iron Dome có thể sẽ là một phần của hệ thống phòng vệ chủ động gián tiếp (Indirect Fires Protection Capability) của Lục quân Mỹ, với việc kết hợp cùng các hệ thống pháo cao tốc tầm gần.
Là hệ thống phòng không tầm trung và ngắn, mỗi hệ thống Iron Dome được trang bị 20 đạn đánh chặn Tamir có tầm bắn từ 4km đến 70km.
Cách thức hoạt động của hệ thống Iron Dome. Ảnh: ABC News
Khác với những hệ thống phòng thủ khác, Iron Dome có thể phát hiện, theo dõi, đưa ra đánh giá liệu những mục tiêu có khả năng cao sẽ gây hư hại cho địa điểm được xác định cần bảo vệ hay không và bỏ qua các mục tiêu có quỹ đạo đi trượt hoặc rơi xuống vùng đất trống rồi mới đánh chặn, nhờ đó tiết kiệm được đạn tên lửa.
Iron Dome được đánh giá là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả nhất thế giới. Theo thống kê, nó có tỷ lệ thành công tới hơn 90% khi triển khai hoạt động tại Dải Gaza - một trong những nơi thường xuyên bị tấn công bởi đạn cối, rocket và đạn pháo nhiều nhất trên thế giới.