Trò chơi khăm
8h30 sáng 12/12, Mỹ đã tiến hành bắn thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo mới tại căn cứ không quân Vandenberg, California. Tên lửa đã bay vào vùng bên ngoài khí quyển trước khi lao xuống Thái Bình Dương, cách đó hơn 310 dặm.
Vụ thử nghiệm có vẻ kịch tính, nhưng theo NBC News, về cơ bản đó là một trò "chơi khăm" rất đắt đỏ của Mỹ dành cho các đối thủ tiềm năng - hay nói cách khác là mục tiêu tiềm năng của thứ vũ khí này, đó là Nga và Trung Quốc.
Sở dĩ gọi đây là trò chơi khăm, bởi Mỹ trên thực tế không thể sử dụng tên lửa mới (hiện chưa có tên gọi chính thức) vì những lý do về mặt địa lý và chính trị quốc tế.
Cuộc thử nghiệm này chỉ đơn giản là khiến Bắc Kinh và Moscow "tăng nhiệt" nhưng lại không tạo ra áp lực quân sự nào thực sự có lợi cho Mỹ. Vậy tại sao Washington lại "vung tiền" đầu tư cho hệ thống vũ khí mà họ thậm chí không thể triển khai trong bối cảnh quốc tế hiện nay?
Mỹ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung. Nguồn: VOA
Câu trả lời dường như nằm ở tham vọng của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, đó là chứng kiến Mỹ triển khai một loại vũ khí mới mà nước này chưa từng đưa vào hoạt động kể từ khi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) có hiệu lực vào năm 1988.
Những loại tên lửa tầm ngắn-trung thường phổ biến ở những quốc gia muốn chống lại các đối thủ nằm trên cùng một lục địa, chẳng hạn như Ấn Độ hoặc Trung Quốc.
Tuy nhiên, bao quanh Mỹ là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ngay cả khi được đặt ở mũi cực tây của Alaska thì những tên lửa loại này của Mỹ cũng chỉ có thể tiếp cận các khu vực phía đông hoang vắng của Nga hoặc mũi đông bắc Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa các loại vũ khí tầm trung của Mỹ chỉ thực sự hữu ích nếu chúng được triển khai trên lãnh thổ của một quốc gia nước ngoài gần với Trung Quốc hoặc Nga.
Theo NBC News, tất cả các đối thủ quân sự hiện nay đều đang yếu hơn Mỹ, do đó các loại vũ khí đắt đỏ như vậy là không cần thiết.
Mặc dù không thể biết cụ thể mức giá chính xác của tên lửa mới nhưng do tình trạng "đội chi phí" đã trở nên quá quen thuộc nên ngân sách quốc phòng năm 2020 của Mỹ đã phân bổ 96 triệu USD, theo yêu cầu của Lầu Năm Góc, để phát triển các tên lửa mới thử nghiệm, cùng với 2 loại khác.
Tạp chí National Defense ước tính chương trình phát triển các tên lửa đạn đạo tầm trung sẽ tiêu tốn 1,1 tỷ USD và sau đó, chúng có thể được đặt mua với giá 21 triệu USD một tên lửa.
Đừng mạo hiểm "đổ dầu vào lửa"
Theo NBC News, hiện không có quốc gia nước ngoài nào nằm trong phạm vi tấn công của Nga và Trung Quốc mà lại hồ hởi muốn khiêu khích hai nước này bằng cách giữ các tên lửa này của Mỹ, ngay cả khi về mặt lý thuyết điều đó mang lại lợi ích cho họ. Trung Quốc thường gây áp lực lớn đối với các quốc gia đang cất giữ tên lửa Mỹ, và Nga cũng không ngần ngại đưa ra các mối đe dọa hạt nhân.
Điều đó khiến Hàn Quốc gần như không thể cho phép Mỹ triển khai các tên lửa phòng không trên lãnh thổ của họ do áp lực từ Trung Quốc - đối tác thương mại chính của nước này.
Hồi tháng 8 năm nay, Australia, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á, đã tuyên bố rõ ràng về thái độ không mấy mặn mà của mình đối với việc cất trữ tên lửa Mỹ. Trong khi đó, Philippines khó có thể tiếp nhận đề nghị này bởi họ có mối quan hệ nồng ấm với Bắc Kinh.
Chính phủ thân Mỹ của Nhật Bản thì phản đối quyết định rút khỏi INF của Washington và tránh bình luận về vấn đề lưu trữ tên lửa Mỹ. Một động thái như vậy sẽ nhạy cảm quá mức về mặt chính trị.
Còn nếu Mỹ quyết định triển khai tên lửa tới Đài Loan -hòn đảo mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình - thì điều đó chắc chắn sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng quân sự, nếu không phải là một cuộc chiến tranh toàn diện.
Hình ảnh vụ thử tên lửa mới của Mỹ ngày 12/12. Ảnh: AFP
Tên lửa của Mỹ có thể được triển khai ở Guam - lãnh thổ Mỹ, hoặc ở Palau - một đồng minh trung thành của Washington. Thế nhưng, tên lửa được triển khai trên các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương sẽ dễ dàng bị loại bỏ, trong khi Trung Quốc và Nga có thể che giấu các bệ phóng di động của mình trên những vùng địa lý rộng lớn.
Tương tự như vậy, ở châu Âu, không có quốc gia nào tuyên bố sẵn lòng tiếp nhận các tên lửa trên bộ có thể tấn công Nga, mà không có sự đồng thuận của NATO.
Ngoại trưởng Ba Lan - một trong những quốc gia tỏ ra "háo hức" nhất đối với sự bổ sung lực lượng của Mỹ, vẫn tuyên bố rằng "chúng tôi không ủng hộ lắm, thậm chí phản đối, việc triển khai tên lửa trên lãnh thổ của chúng tôi".
Những người ủng hộ triển khai tên lửa mới và các loại vũ khí bị cấm khác trong Hiệp ước INF đưa ra lập luận rằng, vũ khí này sẽ có giá trị với Mỹ trong trường hợp có một cuộc khủng hoảng nổ ra buộc các đối tác của Washington phải thay đổi ý định.
Họ cho rằng Mỹ có thể trang trải chương trình này do triển khai tên lửa trên bộ rẻ hơn triển khai trên tàu chiến hoặc máy bay.
Tuy nhiên, trước đó Lầu Năm Góc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các loại tiêm kích tàng hình, tàu chiến mặt nước và tàu ngầm trang bị tên lửa, chúng là những vũ khí linh hoạt hơn khi phải tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ đối phương.
Về răn đe hạt nhân, Mỹ hiện có 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công bất cứ đâu trên toàn cầu, cùng với 240 tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm.
Một số loại vũ khí có lợi cho Trung Quốc nhưng không mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ, và không đáng để Washington phải vung tiền, chỉ nhằm mục đích bắt kịp với Bắc Kinh.
Cắt giảm đầu tư vào các loại vũ khí mà Mỹ không thể sử dụng là một bước đi thông minh trong việc duy trì sức mạnh quân sự Mỹ và quản lý các mối quan hệ với Nga-Trung. Sẽ không lợi lộc gì nếu cứ "đổ dầu vào lửa" trong một cuộc chạy đua vũ trang mà Mỹ, nếu xét về vị trí địa lý, không thể giành chiến thắng.