Mỹ chỉ tung chiêu "đánh trận giả" với Qatar

Minh Thu |

Việc Mỹ đồng ý bán số chiến đấu cơ F-15 trị giá 12 tỷ USD và triển khai tập trận chung với Qatar hôm 15/6 cho thấy Washington vẫn dành sự ủng hộ với Doha dù Tổng thống Trump từng gọi Qatar là quốc gia có lịch sử lâu đời tài trợ khủng bố.

Hồi tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã gọi Qatar là "quốc gia có lịch sử lâu đời tài trợ ở mức cao cho các lực lượng khủng bố" cũng như đồng tình với quyết định của Ả Rập Xê út, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập trong việc cắt đứt quan hệ với Doha.

Sau tuyên bố của ông Trump, giới chức Mỹ tại Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đã tìm mọi cách trấn an Qatar. Bởi Qatar là nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông và các trụ sở chỉ huy cho hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq, Syria và Afghanistan.

Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã chào mừng người đồng cấp Qatar là Bộ trưởng Khalid al-Attiyah tới Washington hôm 14/6 để ký kết thương vụ mua bán chiến đấu cơ F-15 với tổng trị giá bản hợp đồng là 12 tỷ USD.

"Thương vụ trị giá 12 tỷ USD sẽ giúp Qatar nâng cao năng lực chiến đấu và hợp tác an ninh cũng như phối hợp hành động quân sự giữa Mỹ và Qatar", Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn tuyên bố từ Lầu Năm Góc.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không cho công khai chi tiết bản hợp đồng và chỉ tiết lộ Mỹ sẽ bán 36 chiếc F-15 cho Qatar.

Còn theo Bộ trưởng Attiyah, sự có mặt của F-15 sẽ giúp Qatar nâng cao năng lực phòng thủ và tạo ra 60.000 việc làm tại Mỹ.

"Tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy Qatar tự nâng cao năng lực an ninh và giảm sự phụ thuộc vào quân đội Mỹ trong hoạt động tiêu diệt các phần tử cực đoan", ông Attiyah chia sẻ.

Trong khi đó, Mỹ cũng đã triển khai 2 tàu chiến tham gia các cuộc diễn tập chung với hải quân Qatar ở vùng Vịnh. Theo Bộ Quốc phòng Qatar, các tàu chiến của Mỹ đã cập cảng Hamad, phía nam Doha hôm 14/6.

Giới chức ngoại giao phương Tây nhận định sự xuất hiện của 2 tàu chiến Mỹ là thông điệp về sự ủng hộ của Washington đối tới Doha cũng như lời cảnh báo trước các quốc gia vùng Vịnh.

"Thỏa thuận bán F-15 và cuộc tập trận chung là thông điệp mạnh mẽ mà Mỹ muốn nhắn gửi tới Qatar rằng mối quan hệ giữa Washington và Doha vẫn còn rất vững chắc", SCMP dẫn lời một quan chức ngoại giao phương Tây giấu tên.

Thậm chí, tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Qatar còn thảo luận về chiến dịch tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà Mỹ dẫn đầu cũng như tầm quan trọng của việc giảm căng thẳng ở vùng Vịnh.

Theo giới chức Washington, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay có thể ảnh hưởng tới cuộc chiến chống IS trong khu vực nhất là khi lực lượng khủng bố này đang bị đánh bật khỏi những địa bàn từng được xem là sào huyệt hoạt động ở Iraq và Syria.

Thậm chí, hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn kêu gọi Ả Rập Xê-út và các đồng minh xóa bỏ "rào cản" đã thiết lập với Qatar.

Còn tại cuộc họp báo ở Washington với ông Tillerson hôm 14/6, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê-út Adel al-Jubei đã phủ nhận thông tin cho rằng quốc gia này có ý định mở rộng lệnh trừng phạt với Qatar. Theo ông al-Jubei, Ả Rập Xê-út đóng cửa không phận và đường biên giới duy nhất trên bộ với Qatar là quyền chủ quyền của quốc gia này.

Ngoài ra cả Ả Rập Xê út, UAE, Bahrain và Ai Cập đều nhấn mạnh sẽ không bình thường hóa quan hệ với Qatar cho tới khi quốc gia này ngừng ủng hộ cho các nhóm khủng bố.

Về phần mình, Qatar và các nước đồng minh mà Thổ Nhĩ Kỳ là một nhân tố chủ chốt, đều khẳng định Doha có quyền thi hành một chính sách đối ngoại độc lập và nhấn mạnh lệnh trừng phạt mà các láng giềng Ả Rập đang áp đặt là "vô nhân đạo và chống lại đạo Hồi".

Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mevlut Cavusoglu cũng cho biết ông sẽ tới Ả Rập Xê-út để bàn thảo thêm với giới chức nước này vào ngày 16/6. "Chúng tôi đang cùng phối hợp để cùng giải quyết và vượt qua cuộc khủng hoảng này như những người anh em", ông Cavusoglu chia sẻ.

Liên Hợp Quốc đã bày tỏ mối quan ngại về khả năng cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh sẽ ảnh hưởng tới quyền con người của Qatar. Bởi ngoài việc cắt đứt quan hệ kinh tế và ngoại giao, chính phủ Ả Rập Xê út, UAE, Bahrain và Ai Cập đã yêu cầu người dân Qatar quay trở về nước trong vòng 14 ngày đồng thời đưa công dân nước mình rời khỏi Qatar.

Việc cô lập Qatar còn dấy lên mối lo ngại về khả năng nền kinh tế vốn phụ thuộc lớn vào ngành dầu mỏ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng Doha đã khẳng định quốc gia này không chịu bất cứ tác động xấu nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại