Quá mạo hiểm?
Lục quân Mỹ hiện đang phát triển khái niệm thiết kế 1 loại xe tăng hạng nhẹ hiện đại mới có khả năng sử dụng vũ khí laser để đốt cháy UAV, vô hiệu hóa hỏa lực pháo binh, phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu tầm xa.
Dự án này hiện đang được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu, phát triển và chế tạo xe tăng tự động của lục quân Mỹ.
Các quan chức lục quân Mỹ giải thích rằng, đây là điều cần thiết vì xe tăng chiến đấu chủ lực hiện tại, M1A2 SEP Abram, chỉ có thể được nâng cấp tới một mức độ hạn chế.
Trước khi xe tăng mới được triển khai hoạt động, lục quân Mỹ phải biên chế dòng xe tăng M1A2 SEP v4 Abram nâng cấp vào thập niên 2020. Biến thể xe tăng Abram cuối cùng này sẽ được trang bị đạn đa năng hiện đại (AMP) uy lực hơn, tích hợp nhiều viên đạn thành 1 viên 120mm.
Thiếu tướng David Bassett, giám đốc điều hành chương trình Hệ thống chiến đấu mặt đất cho biết, sự nâng cấp này sẽ giúp xe tăng M1A2 SEP v4 Abram thích nghi được với nhiều môi trường khác nhau hơn so với các biến thể trước đó.
Việc thử nghiệm phiên bản M1A2 SEP v4 sẽ bắt đầu vào năm 2021 và sẽ bao gồm thử nghiệm camera màu, công nghệ đo xa bằng laser mới, mạng lưới tích hợp trên xe, máy thu cảnh báo laser, hệ thống cảm biến khí tượng hiện đại và hệ thống liên kết dữ liệu đạn.
Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ phát triển, thiết kế 1 loại xe tăng hạng nhẹ hiện đại mới có khả năng sử dụng vũ khí laser để đốt cháy UAV, vô hiệu hóa hỏa lực pháo binh, phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu tầm xa nhằm khắc chế loại tăng chiến đấu thế hệ mới T-14 Armata của Nga.
Tuy nhiên, để làm được điều này Mỹ sẽ phải tốn không ít công sức và thời gian, trong khi đó xe tăng của Nga đang vượt trước Mỹ và phương Tây từ 10 - 15 năm. Đây được cho là bước đi có phần mạo hiểm của lục quân Mỹ.
T-14 Armata sẽ được đưa vào biên chế trong năm 2017, trong khi mãi đến năm 2020 dòng xe tăng M1A2 SEP v4 Abram nâng cấp mới được Mỹ đưa vào biên chế và đến năm 2030 loại xe tăng mới của Mỹ mới hoàn thành. Tại thời điểm đó ngành công nghiệp sản xuất xe tăng của Nga đã tiến rất xa và lúc đó, có thể T-14 Armata đã có phiên bản hiện đại hơn.
Khoảng cách quá lớn
Hiện tại, các dòng tăng Abrams M1A2 và M1A3 đang được trạng bị hệ thống tên lửa chống tăng TOW-2A và TOW-2B, với loại hai đầu đạn - đầu đạn chính và đầu đạn phụ trợ.
Theo cơ chế hoạt động, khi tên lửa trúng vào mục tiêu, đầu tiên sẽ kích hoạt đầu đạn phụ trợ, tạo ra một phản lực tích lũy và sẽ kích hoạt hệ thống bảo vệ động lực học của xe tăng, tiếp đó viên đạn đi sau phụ trách chính việc vượt qua lớp bảo vệ và xuyên thủng vỏ thép của xe tăng.
TOW-2A có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 3.750 mét, tốc độ tên lửa vào khoảng 180 m/s. Đồng thời, tên lửa TOW-2B tấn công xe từ phía trên, nơi mà vỏ giáp mỏng nhất.
Tuy nhiên, khi đối đầu với xe tăng T14-Armata được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động “Afganita”, thì khả năng cao là TOW-2A sẽ không làm tổn hại tới xe tăng, trong khi TOW-2B có thể làm hư hỏng, nhưng không thể phá huỷ hoàn toàn.
Do vậy, để có thể chế tạo được loại xe tăng có thể khắc chế được T-14 Armata trong tương lai, trước hết Mỹ sẽ phải khắc phục được những điểm yếu của dòng tăng Abrams trước T-14.
Sau đó, Mỹ mới có thể phát triển thêm những tính năng mới vượt trội hơn so với dòng xe tăng được đánh giá là không có đối thủ xứng tầm của Nga trong thời điểm hiện tại.
Cụ thể, trong các cuộc đối đầu trên chiến trường, khả năng tác chiến của các dòng tăng Abrams M1A2 và M1A3 phụ thuộc nhiều vào năng lực phát hiện đối phương trước. Các tên lửa dẫn đường mới của tăng Abrams có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 12.000 mét.
Tuy nhiên, xe tăng Armata được trang bị hệ thống radar tối tân (hiện cũng được dùng trên những chiếc tiêm kích tối tân của Nga) có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 100 km. Không những vậy, nó còn được trang bị hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển.
Vấn đề đặt ra hiện nay là, nếu tăng T-14 Armata phát hiện đối phương trước, thì khả năng sống sót của các dòng tăng chủ lực Mỹ sẽ là dấu hỏi lớn, bởi những vũ khí trang bị trên tăng T-14 thuộc vào dạng mạnh nhất hiện nay.
Đó còn chưa kể tới hệ thống phòng ngự 4 lớp (giáp chính, giáp phản ứng nổ, hệ thống phòng ngự chủ động và thiết kế đặc biệt giảm khả năng bị phát hiện) của xe tăng T-14 được đánh giá cung cấp bảo vệ xe và kíp lái tốt nhất thế giới hiện nay.
Thiết kế của T-14 Armata mới có tính mở cao. Khung thân xe lớn, nhiều bánh chịu lực hơn so với các dòng xe tăng T-80, T-90 cũ cho phép tích hợp pháo chính cỡ nòng lớn (T-14 hiện đang dùng pháo chính cỡ 125mm tương tự như trên xe tăng T-90).
Theo nhiều nguồn tin, trong tương lai, xe tăng T-14 có thể được trang bị pháo chính cỡ 152mm với khả năng bắn đạn chống tăng xuyên tới 1m giáp thép đồng nhất (RHA) với tầm bắn lớn hơn. Với hỏa lực mới này, sẽ không có xe tăng phương Tây hiện đại nào là đối thủ của xe tăng Armata.