Tạp chí National Interest (Mỹ) chuyên về quan hệ quốc tế nhận định nếu chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump quyết định tấn công Triều Tiên, Washington có thể sẽ nhận ra rằng Bình Nhưỡng đích thực là một kẻ thù đáng gờm hơn nhiều người tưởng.
Bên cạnh vũ khí hạt nhân, Triều Tiên hiện sở hữu các hệ thống phòng không được đánh giá là khá tiên tiến. Hơn nữa, Bình Nhưỡng còn đưa ra nhiều biện pháp để đối phó với bất kỳ cuộc không kích nào mà Mỹ có thể khởi động trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
CHDCND Triều Tiên hẳn đã không quên những bài học về chiến tranh Triều Tiên, mà về lý thuyết vẫn chưa chấm dứt, theo National Interest.
“Trong giai đoạn 1950 - 1953, Không quân và Hải quân Mỹ đã có các chiến dịch nhằm san phẳng Triều Tiên.
Do đó, người dân Triều Tiên hẵn đã có 65 năm bàn luận về cách thức làm cách nào để điều đó không tái diễn, trong đó có việc đào hàng loạt nơi trú bom và đường hầm” - Thiếu tướng Mỹ về hưu Mike McDevitt, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm phân tích hải quân (Mỹ), nhận định.
Triều Tiên được đánh giá là "khó chơi" nếu Mỹ quyết định không kích nước này. Ảnh: NATIONAL INTEREST
Bên cạnh việc củng cố hạ tầng, Bình Nhưỡng cũng đầu tư cho các hệ thống phòng không tiên tiến. Trong khi đa số hệ thống phòng không mà Triều Tiên hiện sở hữu là các hệ thống của Liên Xô trước đây, nước này cũng sản xuất các vũ khí nội địa có uy lực đáng gờm.
“Họ sở hữu các tên lửa của Liên Xô gồm S-75, S-125, S-200 và Kvadrat” - Vasily Kashin, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và châu Âu toàn diện thuộc Trường kinh tế Moscow, nói trên tạp chí National Interest.
“Triều Tiên từng tự sản xuất các tên lửa S-75 và tiến hành nâng cấp chúng. Từ sau năm 2010, nước này cũng đã chế tạo được hệ thống tên lửa đất đối không nội địa mà Mỹ và Hàn Quốc thường hay gọi là KN-06” - ông Kashin nói.
Hiện không rõ Triều Tiên đã chế tạo được bao nhiêu tổ hợp KN-06 nhưng hệ thống này có năng lực ngang hàng với các biến thể đời đầu của S-300 do Nga chế tạo.
“Không ai biết chính xác Triều Tiên hiện sở bao nhiêu hệ thống như vậy. KN-06 có thể quét radar và theo dõi bằng hệ thống dẫn đường tên lửa có thể tương đương các biến thể S-300P đời đầu, nhưng có tầm hoạt động lớn hơn” - chuyên gia Vasily Kashin cho biết.
Triều Tiên tiết lộ nhiều mẫu tên lửa tiên tiến trong cuộc diễu binh nhân kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hôm 15/4. Ảnh: CNN
Nhiều nguồn tin từ Hàn Quốc từng tiết lộ KN-06 đã được thử nghiệm thành công. Loại vũ khí này được cho là có tầm hoạt động lên tới 150 km. Một trong những nguyên nhân mà hệ thống KN-06 bị phớt lờ là vì các nhà phân tích phương Tây thường hay đánh giá thấp năng lực của Triều Tiên, mặc dù các thông tin về loại vũ khí này đã được công bố.
“Nhìn chung, có một sự đánh giá thấp về khả năng của Triều Tiên trên toàn thế giới. Như những gì tôi được biết, họ đã sản xuất được nhiều công cụ máy tính hóa, robot công nghiệp, sợi cáp quang, chất bán dẫn cũng như các loại ô tô, đồ điện và nhiều thứ khác.
Khả năng của Triều Tiên hiện có thể sánh ngang với Liên Xô của những năm 1970 và 1980, đó là còn chưa kể tới việc Bình Nhưỡng hợp tác bí mật với Iran” - ông Kashin nhấn mạnh.
Các hệ thống phòng không tầm thấp của Triều Tiên ngoài ra cũng khá uy lực mặc dù chúng đã lỗi thời. “Ở tầm thấp, Triều Tiên sở hữu nhiều hệ thống tên lửa phòng không vác vai và pháo phản lực 23 đến 57 mm” - theo ông Kashin.
Trong khi đó, Triều Tiên cũng sở hữu một lực lương không quân lớn mặc dù binh chủng này có vẻ đã quá già cũ. Máy bay duy nhất mà Bình Nhưỡng có thể dùng để đe dọa không lực của Mỹ là phi đội Mikoyan MiG-29 Fulcrums.
“Triều Tiên có thể đang sở hữu lên tới 40 chiếc MiG-29. Tôi không chắc liệu nhiều trong số những máy bay này hoạt động được hay không nhưng một số chiếc chắc chắn có thể. Việc huấn luyện phi công cũng ít hẳn vì chưa bao giờ qua con số 20 chuyến bay/giờ/năm”.
Ông Kashin công nhận rằng công nghệ của Triều Tiên hiện khá nguyên sơ nhưng nước này cũng đã bí mật nhận sự trợ giúp từ Iran. Cũng theo vị chuyên gia, các đơn vị phòng không của Triều Tiên thường sử dụng các nơi ẩn nấp dưới mặt đất để che chắn, khó mà bị các cuộc không kích phá hủy.
Do đó, mặc dù công nghệ Triều Tiên không thể đem ra so với Mỹ nhưng nước này được đánh giá là một “người khó chơi”. Với khả năng tự chủ tự lực bấy lâu nay, Triều Tiên có thể tự sản xuất các phần cứng quân sự cho riêng nước này và nâng cấp chúng trở nên uy lực hơn.