Mỹ điều thêm lính đặc nhiệm đến Lithuania
Ngày 3/1, Express dẫn lời bà Asta Galdikaite, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Lithuania trong một thông báo phát đi, cho biết Mỹ sẽ điều thêm lính đặc nhiệm đến quốc gia này nhằm chống lại mối đe dọa từ Nga.
Theo bà Galdikaite, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đưa ra các biện pháp bảo đảm an ninh bổ sung cho các quốc gia vùng Baltic, sau khi tình hình an ninh trong khu vực ngày càng xấu đi.
“Sự hiện diện của những binh sĩ thuộc các lực lượng đặc biệt Mỹ là một trong những biện pháp răn đe chống lại các mối đe dọa từ Nga”, bà Asta Galdikaite tuyên bố.
Nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Lithuania còn cho biết thêm rằng, các lực lượng Mỹ đang đào tạo, hướng dẫn cho lực lượng đặc nhiệm nước này và sẽ tiếp tục đóng tại quốc gia Baltic cho đến khi nào tình hình an ninh được cải thiện.
Khẳng định với truyền thông, tướng Raymond T. Thomas, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ cho biết, binh lính nước này đang có sự hiện diện thường trực ở các nước Baltic, và Mỹ đang phát triển quan hệ ngày càng chặt chẽ với các nước có chung biên giới với Nga.
Trong khi đó, tờ Express dẫn lời giới phân tích cho rằng, các binh sĩ Mỹ đang tham gia các hoạt động huấn luyện quân sự chung với Lithuania và trong vùng Baltic, nhằm tăng cường khả năng hoạt động phối hợp cũng như phòng thủ trước những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga và phương Tây.
Trước đó, phát biểu sau một cuộc họp với các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tại Vilnius hồi cuối tháng 12/2016, Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite khẳng định, Mỹ đại diện cho một người chơi quan trọng trong khu vực và tại châu Âu.
“Sự hiện diện của Mỹ tiếp tục đem lại những bảo đảm an ninh đáng tin cậy nhất cho các nước Baltic, và cho cả cộng đồng xuyên Đại Tây Dương”, ông Dalia Grybauskaite nhấn mạnh.
Nỗi ám ảnh mang tên Nga?
Việc tiếp tục điều thêm lính đặc nhiệm đến Lithuania càng cho thấy nỗ sợ hãi của Mỹ trước sức ảnh hưởng và hiện diện ngày càng lớn của Nga tại vùng Baltic.
Còn nhớ hồi đầu tháng 11/2016, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra thông báo cho biết, từ tháng 1/2017 sẽ có 4.000 binh sỹ nước này sẽ được điều chuyển từ Đức sang Ba Lan trong kế hoạch của NATO có tên Atlantic Resolve.
Sputnik dẫn lời Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, động thái trên nhằm đáp trả các hoạt động của Nga tại khu vực Đông Âu, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine.
“Lữ đoàn Tăng thiết giáp số 3, Sư đoàn bộ binh số 4 với 4.000 quân sẽ hoạt động tại Ba Lan và các nước vùng Baltic, ngay sát biên giới với Nga”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.
Trong một động thái có liên quan, ngày 21/11 Hoa Kỳ tiếp tục lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc Nga bố trí các tổ hợp tên lửa Iskander và hệ thống S-400 ở khu vực Kalinggrad.
Theo Washington hành động trên của Moskva vào thời điểm này có thể gây mất ổn định an ninh châu Âu, đồng thời kêu gọi điện Kremlin không đưa các hành động quân sự không tương thích với sự ổn định và an ninh trong khu vực châu Âu – Đại Tây Dương.
Không chỉ thế từ tháng 6 đến tháng 8/2016, Mỹ đã 2 lần đưa oanh tạc cơ B-52 tham gia tập trận quy mô lớn với NATO tại Baltic. Thậm chí có lần Washington còn sử dụng oanh tạc cơ tàng hình B-2 kết hợp với B-52.
Đáng chú ý phải kể đến cuộc tập trận Baltops 2016 ngày 12/6 cùng các nước NATO, hai chiếc B-52 của Mỹ đã áp sát Kaliningrad của Nga ở khoảng cách 50 km.
“Những chiếc máy bay ném bom chiến lược mang số hiệu ICER01 và ICER02, có khả năng mang vũ khí hạt nhân, cất cánh từ căn cứ không quân ở Mildenhall, nước Anh. Hai chiếc B-52 đang tham gia tập trận Baltops 2016 cùng các nước NATO, đã tiếp cận rất gần căn cứ quân sự tại vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga”, hãng Interfax cho hay.
Đáp lại những cáo buộc và hành động gây hấn từ Hoa Kỳ, các quan chức Nga khẳng định, việc nước này triển khai các hệ thống tên lửa tới khu vực Kalingrad chỉ là để phòng thủ và ứng phó trước việc mở rộng quân sự ngày càng lớn mạnh của NATO về phía biên giới Nga.
“Tại sao chúng tôi phải phản ứng trước kế hoạch bành trướng của NATO? Chúng tôi lo ngại về những quyết định của NATO”, tổng thống Putin nói trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên truyền hình Nga.
Rõ ràng với những hành động đang diễn ra, có thể thấy Mỹ đang ngày càng trở nên khiếp sợ trước sự hiện diện và sức mạnh của quân đội Nga. Trái ngược lại, trong những giờ khắc khó khăn, Moskva vẫn luôn chứng tỏ bản lĩnh và sự bình tĩnh đến lạnh lùng của mình.