Mỹ âm thầm chuyển tù nhân IS từ Syria đến Iraq

Phạm Nghĩa |

Reuters ngày 29-5 dẫn nguồn tin tại Iraq và hồ sơ tòa án cho biết các lực lượng Mỹ đã âm thầm chuyển ít nhất 30 thành viên (hoặc liên quan) của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị bắt ở Syria tới Iraq.

Những thành viên IS nói trên bị bắt hồi năm ngoái và cuối năm 2017. Chúng bị đưa tới Iraq để ra tòa, trong đó có 3 tên bị kết án tử hình và 5 tên khác bị kết án tù chung thân.

Bốn thành viên IS nói với Reuters rằng chúng bị tra tấn khi ở trong tù nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng.

Cơ quan chống khủng bố Iraq (CTS) phủ nhận việc tù nhân được chuyển từ Syria đến các nhà tù ở nước này trong hai năm 2017 và 2018 cũng như bác bỏ cáo buộc tra tấn tù nhân.

Trong khi số phận của hàng ngàn tay súng IS bị bắt ở Syria vẫn chưa được làm rõ, Reuters cho biết hàng chục phần tử thánh chiến nước ngoài đã được chuyển đến Iraq trong hai năm 2017 và 2018 sau khi chúng bị Lực lượng Dân chủ Syria (SDF, do Mỹ hậu thuẫn) bắt giữ.

Mỹ âm thầm chuyển tù nhân IS từ Syria đến Iraq - Ảnh 1.

Các tay súng IS và gia đình rời khỏi thành trì cuối cùng - ngôi làng Baghouz, tỉnh Deir al-Zor - Syria ngày 12-3-2019. Ảnh: Reuters

Reuters cũng phỏng vấn 8 người đàn ông đến từ Bỉ, Pháp, Đức, Úc, Ai Cập và Morocco bị kết án vì liên quan đến IS tại tòa án của Iraq. Sau khi bị SDF bắt giữ, hầu hết tất cả đều bị thẩm vấn và biệt giam tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực người Kurd hoặc Jordan trước khi được chuyển đến Iraq.

Bộ Chỉ huy Trung ương của Mỹ không bình luận về phát hiện nói trên của Reuters nhưng thừa nhận về các thách thức đối với hàng loạt tù nhân bị lực lượng người Kurd bắt giữ. Theo phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Trung ương của Mỹ, Bill Urban, số phận các tay súng nước ngoài ở Syria là một vấn đề cực kỳ phức tạp.

Ông Urban nhấn mạnh Washington hy vọng các quốc gia sẽ chịu trách nhiệm đối với công dân của họ từng gia nhập IS thông qua truy tố, cải tạo hoặc những biện pháp khác đủ để ngăn chặn họ tái gia nhập các nhóm khủng bố.

Reuters cho biết hoạt động chuyển tù nhân không bị cấm theo luật pháp quốc tế nếu bảo đảm về nhân quyền. Tuy nhiên, điều đó áp dụng giữa các quốc gia chứ không phải là một chủ thể phi quốc gia như SDF.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó thúc giục các nước châu Âu hồi hương ít nhất 2.000 tay súng nước ngoài bị bắt trong các trận chiến chống IS ở Syria hồi đầu năm nay. Mỹ và các đồng minh châu Âu đã có cuộc hội đàm với chính quyền Baghdad nhằm chuyển một lượng lớn tù nhân từ Syria tới Iraq để đối mặt với công lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại