Hừng hực tinh thần thương chiến: Tại sao dân TQ bỏ "gần nửa chỉ vàng" để mua 1 cốc trà?

Tất Đạt |

Cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang đem tới những thay đổi và cơ hội lớn đối với một số thương hiệu nội địa của Trung Quốc.

Món hàng đắt hơn bình thường

Chiến tranh thương mại không phải lúc nào cũng tràn ngập sự bi quan và tăm tối.

Vào thời điểm khi 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sắp bị đánh thuế 25%, giá 1 cốc trà sữa của một thương hiệu có truyền thống lâu đời ở Thượng Hải có thể leo thang tới 2000% so với giá thông thường. Lí do là người dân Trung Quốc muốn thể hiện tình yêu nước và sự ủng hộ đối với sản phẩm nội địa.

Theo SCMP, điều "lạ lùng" ở đây là các công dân lại khá sẵn sàng bỏ ra số tiền lên tới 500 NDT (khoảng 1,7 triệu VNĐ) tại chợ đen để thưởng thức một cốc trà sữa của nhãn hiệu này. Giá để mua một cốc bình thường là 19-23 NDT/1 cốc (khoảng 64.000-77.000 VNĐ).

Wang Xiaoliang, 40 tuổi, đã dành 2 giờ xếp hàng để mua một cốc trà sữa White Rabbit. Được biết, có tới hàng trăm người khác cũng bỏ thời gian để thưởng thức đồ uống này.

"Vấn đề không phải là về hương vị. Chúng tôi chỉ muốn thể hiện sự ủng hộ đối với thương hiệu của Trung Quốc trong thời điểm chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch làm suy yếu sự phát triển kinh tế Trung Quốc".

Các sản phẩm kẹo có hương vị sữa của White Rabbit đã trở nên nổi tiếng trên toàn cầu vào năm 1972, khi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai mời Tổng thống Mỹ Richard Nixon sử dụng sản phẩm của thương hiệu này.

Hừng hực tinh thần thương chiến: Tại sao dân TQ bỏ gần nửa chỉ vàng để mua 1 cốc trà? - Ảnh 1.

Quầy bán trà sữa White Rabbit tại một khu trung tâm ở Thượng Hải. Ảnh: Daniel Ren

Hồi tháng trước, cùng với hai đối tác địa phương khác, công ty chế biến thực phẩm do nhà nước quản lí Guan Sheng Yuan đã mở một cửa hàng ở trung tâm thương mại CapitaMall Luone thuộc đường Xuijiahui của Thượng Hải để bán trà sữa White Rabbit. Công ty sản xuất và bán trả sữa lần đầu tiên trong 60 năm lịch sử của hãng với mục tiêu nhằm phục hồi tên thương hiệu White Rabbit trên thị trường.

Mặc dù hiện ngày nay đang có những cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt trong ngành trà sữa, nhưng sự hồi sinh của White Rabbit vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ và cổ vũ của người dân Trung Quốc.

Sự ủng hộ mạnh mẽ

Theo các bài viết trên mạng xã hội, một số người tiêu dùng đã dành 4 tới 5 giờ xếp hàng để mua trà sữa. Và đây là cơ hội đặc biệt hiếm hoi đối với một số "cò trà sữa". Sau khi xếp hàng, những người này bán lại trà sữa cho những khách hàng khác với giá cao.

Một "cò" cho biết có thể kiếm được hàng trăm NDT mỗi ngày nhờ việc đứng xếp hàng mua sản phẩm của White Rabbit. Cốc trà có thể được bán với giá 100 NDT/cốc, nhưng cũng có những khách hàng sẵn sàng trả tới 500 NDT để mua về uống.

Được biết, tại Trung Quốc, có tới khoảng 1 triệu cửa hàng bán trà sữa và trà hoa quả nhắm vào đối tượng là những người trẻ tuổi, sinh ra từ những năm 1990 trở lại đây.

"Món trà không thực sự có hương vị của kẹo White Rabbit," Andy Yin, một chủ cửa hiệu dành hai giờ đứng xếp hàng để mua được loại đồ uống này, cho biết.

"Nhưng chúng tôi không quan tâm lắm, bởi cơ hội thưởng thức mới là điều khiến chúng tôi tự hào." Anh Andy cho biết anh sẽ đăng bức hình chụp cốc trà sữa này lên WeChat để khoe thành tích.

Rất nhiều thương hiệu địa phương Trung Quốc đã chịu thiệt hại nặng nề trong hơn 20 năm qua giữa một "rừng" các sản phẩm nhập khẩu. Chính quyền Thượng Hải đã can thiệp để phục hồi tên tuổi của một số thương hiệu lớn nhưng đều không đạt được hiệu quả.

"Cuộc chiến tranh thương mại đã tạo cơ hội cho các thương hiệu cũ," Zhou Shiyu, một nhà điều hành cấp cao tại Thượng Hải, cho biết.

"Nhưng các thương hiệu địa phương cũng cần phải chăm chỉ hơn để thể hiện kĩ thuật sản xuất và tăng cường kĩ năng quản lý để theo kịp với các đối thủ nước ngoài khi xét tới chất lượng sản phẩm, đóng gói và hiệu quả phân phối".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại