Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth rời căn cứ hải quân ở Portsmouth ngày 22/5. Ảnh: AP
Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth, trị giá hơn 6,2 tỷ bảng Anh (8,8 tỷ USD) cùng chi phí vận hành lên tới hàng triệu USD, cuối tháng 5 vừa qua đã rời cảng Portsmouth để thực hiện hành trình kéo dài 8 tháng tới các vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Gửi thông điệp tới Trung Quốc?
Tàu HMS Queen Elizabeth tham gia vào các cuộc tập trận của NATO ở Địa Trung Hải trong tuần trước, trước hành trình tới châu Á, trong đó có chuyến đi vào Biển Đông nhằm gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng các tuyến đường biển cần phải được để mở.
Sau cuộc tập trận ở Địa Trung Hải, tàu sân bay Anh sẽ đi qua kênh đào Suez, tới Ấn Độ Dương, sau đó tới Biển Đông và ra Thái Bình Dương. Tàu HMS Queen Elizabeth dự kiến sẽ dừng chân ở các cảng biển dọc lộ trình, trong đó có Oman, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hạm trưởng SteveMoorhouse cho biết, chuyến đi đầu tiên của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là nhằm thể hiện với các đồng minh rằng nước Anh thời hậu Brexit sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của phương Tây và cũng rất “háo hức” muốn thấy Trung Quốc tôn trọng các quy tắc quốc tế.
“Nó thể hiện rằng, chúng tôi là một lực lượng hải quân toàn cầu và đang muốn trở lại đó”, ông Moorhouse nói, đề cập tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Khi được hỏi về các nỗ lực của Anh gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc – một chiến lược mà cả EU cũng đang thực hiện và được NATO ủng hộ - Hạm trưởng Moorhouse nói rằng: “Chúng tôi muốn duy trì các quy tắc quốc tế… sự hiện diện của chúng tôi ở đó có vai trò quan trọng”.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh được xem như biểu tượng về một “nước Anh toàn cầu” và là minh chứng cho cam kết của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhằm khôi phục Hải quân Hoàng gia như một lực lượng hải quân hàng đầu châu Âu, đồng thời chấm dứt cái mà ông gọi là “kỷ nguyên thu mình”.
Giống như Mỹ, Anh đang đáp trả trước sự nổi lên của Trung Quốc. Nhưng không giống như Mỹ. Anh có ít ảnh hưởng và nguồn lực để thực hiện điều đó. Do vậy, về mặt chính sách đối ngoại, Anh chỉ “hướng về” châu Á chứ không hẳn là “xoay trục” sang châu Á như Mỹ.
Sự xuất hiện của Mỹ trong nhóm tác chiến tàu sân bay Anh
Việc triển khai tàu sân bay của bất cứ lực lượng hải quân nào cũng là một sự phô trương sức mạnh đáng kể vì khả năng triển khai lực lượng không kích nhằm vào các mục tiêu ở khoảng cách khá xa. Sau khi phục hồi, tiếp nhiên liệu và tái trang bị, chúng có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Trong khi đó, tàu sân bay cũng có khả năng trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng đối địch. Vì vậy, tàu sân bay không bao giờ được triển khai độc lập, mà luôn có một nhóm tác chiến đi kèm, gồm tàu khu trục và các loại tàu khác để bảo vệ và hỗ trợ. Đội tàu của Anh được triển khai lần này còn có tàu khu trục của Hà Lan và Mỹ.
Trong số thủy thủ đoàn khoảng 1.600 người, có khoảng 200 lính thủy quân lục chiến Mỹ. Ngoài ra, trong số 18 tiêm kích hàng đầu thế giới F-35B được triển khai trên tàu, có 10 máy bay do Mỹ vận hành, và chỉ 8 chiếc do Anh vận hành.
Lý do triển khai một đội hình như vậy luôn nhấn mạnh vào sự phối hợp giữa các đồng minh. Dù vậy, lý do cũng có thể là Hải quân hoàng gia Anh không có đội tàu hiệu quả để hỗ trợ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở các vùng biển xa nhà.
Chính phủ Anh khẳng định sự xuất hiện của đồng minh là một dấu hiệu của sức mạnh chứ không phải là điểm yếu.
Chuyến đi phù hợp với mục tiêu chiến lược của Mỹ?
Về kế hoạch đi vào Biển Đông của tàu HSM Queen Elizabeth, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace khẳng định Anh không tìm kiếm sự “đối đầu”, mà thay vào đó, nhóm tác chiến sẽ thực hiện quyền tự do hàng hải.
Chính phủ Anh cho biết nước này vẫn muốn một mối quan hệ mang tính xây dựng [với Trung Quốc] – không chỉ trong lĩnh vực thương mại.
Một cuộc rà soát chính sách an ninh, quốc phòng và đối ngoại gần đây của chính phủ Anh đã đưa ra 2 kết luận dường như trái ngược nhau về Trung Quốc. Một mặt, Anh coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống”, mặt khác mục tiêu của Anh cũng chính là “các liên kết thương mại sâu rộng hơn và đầu tư từ Trung Quốc nhiều hơn”.
Kết luận thứ 2 là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi Anh đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới thời kỳ hậu Brexit. Tuy nhiên, kết luận thứ nhất lại rất khó nắm bắt. Theo nghĩa nào thì Trung Quốc là mối đe dọa đối với Anh? Trung Quốc không có tham vọng lãnh thổ ở châu Âu, và chắc chắn rằng nước Anh thời hậu đế quốc cũng không có tham vọng tương tự ở châu Á.
Mặt khác, việc thực hiện chuyến đi “tự do hàng hải” ở Biển Đông lại phù hợp với mục tiêu chiến lược của một quốc gia khác nhằm kiềm chế Trung Quốc, đó là Mỹ.
Việc tàu HMS Queen Elizabeth chuẩn bị đi vào Biển Đông - với lính thủy quân lục chiến Mỹ, tiêm kích Mỹ cùng 1 tàu khu trục Mỹ, thực hiện mục tiêu của Mỹ có thể cho thấy “lòng trung thành” của Anh đối với Mỹ. Mục đích sau cùng của Anh có thể là nhằm đảm bảo một thỏa thuận tương mại với Mỹ thời kỳ hậu Brexit.
Mục đích thương mại và ngoại giao
Chuyến đi của tàu sân bay Anh cũng có những mục đích khác, trong đó có cả thúc đẩy thương mại và củng cố quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực.
Trên biển, tàu sân bay Anh sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh, trong đó có Nhật Bản, Australia và Mỹ. Trong các chuyến cập cảng, tàu HMS Queen Elizabeth sẽ trở thành một phái bộ ngoại giao và thương mại nổi khổng lồ.
Theo lời của người đứng đầu Hải quân Hoàng gia, Đô đốc Tony Radakin: “Các lực lượng hải quân đi theo thương mại và thương mại đi theo các lực lượng hải quân”.
Ông nói rằng, đợt triển khai này cho thấy Hải quân đang cụ thể hóa tầm nhìn về một “nước Anh toàn cầu”.
Nếu chỉ là để gửi thông điệp tới Trung Quốc, có thể có những cách khác tốt hơn. Tiến sỹ Peter Roberts, Giám đốc về khoa học quân sự tại RUSI, một tổ chức nghiên cứu về an ninh quốc phòng cho rằng, thay vì điều tàu sân bay thực hiện một hành trình dài với lộ trình chậm và có thể dự đoán trước, Hải quân hoàng gia có thể triển khai 2 trong số các tàu ngầm. Nếu các tàu ngầm này khởi hành từ phía Bắc, dưới lớp băng Bắc Cực, sau đó nổi lên ở Thái Bình Dương, điều đó sẽ có hiệu quả lớn hơn trong việc thách thức cả Nga và Trung Quốc.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Anh Peter Ricketts cho rằng, việc điều tàu sân bay về phía Đông vẫn là điều có thể hiểu được trên khía cạnh “biểu tượng hợp tác với các đồng minh”. Nó là một phần của “sân khấu ngoại giao”, chứ không hẳn là một chiến lược quân sự.