“Phượng hoàng bầu trời” Rafale - tinh hoa của nền công nghiệp quốc phòng Pháp; Nguồn: actu-aero.fr
Rafale "đắt như tôm tươi"
Ngày 4/5, Ai Cập cho biết đã ký kết với Pháp mua 30 chiếc Rafale với giá 4,5 tỷ USD (khoảng 150 triệu mỗi chiếc). Hợp đồng thông qua một khoản vay tài trợ có thời hạn tối thiểu 10 năm này giúp Ai Cập vượt qua Ấn Độ và Qatar, trở thành khách hàng mua Rafale lớn nhất của Pháp.
Cairo đã ký hợp đồng đầu tiên với giá 5,9 tỷ USD vào tháng 2/2015 mua 24 máy bay Rafale (8 chiếc một chỗ ngồi, 16 chiếc hai chỗ ngồi, khoảng 245 triệu USD/chiếc), tên lửa Meteor và Scalp…, với khoản vay tài trợ tới 50% bởi các ngân hàng Pháp.
Thỏa thuận mới nhất của Ai Cập diễn ra chỉ 4 tháng sau khi Hy Lạp xác nhận hợp đồng trị giá 3,01 tỷ USD cho 18 chiếc Rafale (cả vũ khí), bao gồm 6 chiếc mới và 12 chiếc đã qua sử dụng (sẽ được lấy từ Không quân Pháp).
Theo thỏa thuận, 6 trong số các máy bay Rafale đã qua sử dụng sẽ được giao với tiến độ 1 chiếc mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 7/2021; 6 chiếc mới được giao vào mùa xuân năm 2022; và 6 chiếc đã qua sử dụng cuối cùng được bàn giao vào đầu năm 2023.
Cách đây 6 năm Qatar đã mua 24 chiếc Rafale với quyền chọn mua thêm 12 chiếc với giá 7 tỷ USD. Hợp đồng bao gồm việc cung cấp tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa Meteor cũng như đào tạo 36 phi công và 100 kỹ thuật viên và một số sĩ quan tình báo Qatar; giá vào khoảng 270 triệu USD/chiếc. Cuối năm 2017, tùy chọn thêm 12 Rafale đã được thực hiện với giá 1,3 tỷ USD (110 triệu USD/chiếc) và thêm một tùy chọn bổ sung cho 36 máy bay khác.
Năm 2016, Ấn Độ đã mua 36 chiếc Rafale với giá gần 8 tỷ USD, bao gồm tùy chọn thêm 18 chiếc. Cho đến nay, Không quân Ấn Độ (IAF) đã được trang bị 15 chiếc Rafale với vũ khí đi kèm, giá khoảng 220 triệu USD/chiếc; các máy bay phản lực còn lại, dự kiến sẽ được chuyển giao và đưa vào vận hành vào cuối năm 2022.
Croatia vừa xác nhận mua 12 máy bay chiến đấu hai động cơ hạng nhẹ Rafale 10 năm tuổi từ Pháp theo hợp đồng trị giá 1,22 tỷ USD (khoảng 100 triệu USD/chiếc, bao gồm cả huấn luyện và một số vũ khí liên quan).
6 chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao trong năm 2024, 6 chiếc còn lại - 2025. Rafale sẽ thay thế các máy bay phản lực MiG-21BiS của Liên Xô hiện đang có trong trang bị đã ngừng sản xuất từ năm 1985, vận hành rẻ hơn nhiều so với Rafale và dễ bảo trì hơn, nhưng khả năng chiến đấu rất hạn chế so với các máy bay chiến đấu hiện đại.
Croatia trước đây dự kiến mua máy bay chiến đấu F-16 đã qua sử dụng từ Không quân Israel, được hưởng lợi từ nhiều nâng cấp của Israel, có chi phí hoạt động thấp hơn và dễ bảo trì hơn so với máy bay phản lực của Pháp. Thỏa thuận không đạt được do sự phản đối của Mỹ, theo đó, Mỹ đang tìm cách tiếp thị những chiếc F-16 mới được chế tạo của riêng mình và máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển làm đối thủ cạnh tranh.
Theo truyền thông Pháp, Indonesia có thể trở thành khách hàng tiếp theo của Rafale với thương vụ ít nhất 36 chiếc, dự kiến sẽ sớm được ký kết. Hai nước đã khởi xướng đối thoại chiến lược trong năm nay với mục tiêu nhanh chóng ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
Dassault có thể đồng ý với một hệ thống sinh thái sản xuất linh kiện mà Indonesia được cho là đang đề xuất. Indonesia gần đây đã từ chối lời đề nghị mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ sau khi Washington từ chối bán tàng hình cơ F-35 cho Jakarta.
Bên cạnh đó, thương vụ mua 12 máy bay Su-35 từ Nga đang bị “ngâm” từ năm 2018. Đối mặt với những hạn chế về ngân sách, Indonesia có thể đi theo mô hình của Ai Cập là có các máy bay phản lực được tài trợ một phần bởi một tập đoàn ngân hàng Pháp. Điều mà Indonesia đang hướng tới là trở thành một phần của chuỗi cung ứng Rafale, biến việc chuyển giao công nghệ và cấp phép sản xuất trở thành nền tảng của chính sách mua sắm vũ khí của mình.
Do đâu tiêm kích Rafale Pháp đắt hàng?
Có chuyến bay đầu tiên vào 7/1986, nhưng mãi đến năm 2001, “Phượng hoàng bầu trời” Rafale của Tập đoàn Dassault Aviation mới chính thức được trang bị cho Không quân Pháp. Đến 1/2019, có 175 chiếc Rafale được chế tạo với ba biến thể chính gồm: hai chỗ ngồi (Rafale B), một chỗ ngồi (Rafale Cale) và tiêm kích hạm (Rafale M).
Được coi là tinh hoa của nền công nghiệp quốc phòng Pháp, chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale với thiết kế cánh tam giác độc đáo cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến là một trong những tiêm kích hàng đầu thế giới.
Rafale của Pháp trước đây đã phải vật lộn để cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu, mặc dù Paris thường cung cấp các khoản đầu tư hào phóng và các ưu đãi khác cho các quốc gia mua lại chúng, nhưng loại máy bay này đã thành công hơn kể từ năm 2020 khi được bán trên thị trường như một máy bay chiến đấu cũ cho các quốc gia khó mua máy bay mới.
Hy Lạp là trường hợp đầu tiên Rafale được bán cho một quốc gia châu Âu. Các nguyên nhân chính Rafale chưa xuất khẩu được nhiều là do giá rất đắt - gần 90 triệu USD (chưa bao gồm vũ khí); các đối tác muốn mua Rafale không thể sử dụng các loại tên lửa có sẵn của mình, mà phải mua đủ số tên lửa của Pháp - điều làm Rafale giảm tính cạnh tranh so với các máy bay của các nước khác có thể sử dụng nhiều loại tên lửa khác nhau như Eurofighter, Su-27/30, biến thể mới F-15/16/18 và JAS-39 Gripen.
Rafale có chiều dài 15,27 m, sải cánh 10,8 m, cao 5,34 m, có thể đạt tốc độ bay 2.250 km/h, tầm hoạt động 1.800 km, trần bay 18.000 m (vượt trội cả tiêm kích hạng nặng Su-30, Su-35 của Nga và F-35 của Mỹ).
Rafale thường mang theo vũ khí hỗn hợp cả không chiến và tấn công mặt đất trong mỗi nhiệm vụ, gồm tên lửa không đối không (AIM-9, AIM-132, AIM-120, Magic II, MBDA Meteor), không đối đất (MBDA Apache, SCALP EG, AASM, AM 39 Exocet), chống radar, không đối hạm, bom có điều khiển…
Được trang bị các loại vũ khí như tên lửa hành trình không đối đất Scalp với tầm bắn 300 km, tên lửa không đối không Meteor tầm tấn công 120-150 km và đạn dẫn đường chính xác không đối đất Hammer tầm tấn công 20-70 km, Rafale có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, đánh chặn tầm xa, yểm trợ mặt đất, tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương, tiêu diệt tàu sân bay và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Rafale được trang bị radar mạng pha quét chủ động, 2 động cơ phản lực Smecma M88-4E đốt sau sử dụng hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số giúp tăng lực đẩy và tiết kiệm nhiên liệu. Rafale có thiết kế khí động học tối ưu giảm thiểu hệ số phản xạ radar và được áp dụng công nghệ làm giảm phát xạ hồng ngoại giúp nâng cao tính tàng hình. Khả năng cơ động linh hoạt với vận tốc cao giúp Rafale có nhiều phương án lựa chọn tấn công và phối hợp tác chiến.
Hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp SPECTRA với các cảm biến giúp Rafale phát hiện, nhận dạng và xác định mối đe dọa từ cự ly 200 km, giúp phi công nhận thức tình huống và chọn biện pháp đối phó phù hợp nhất, tăng khả năng sống sót trong chiến đấu. Rafale có hệ thống liên lạc hiện đại nhất, bao gồm radar đa nhiệm, tổ hợp trinh sát và bắt bám hồng ngoại IRST, hệ thống nhập lệnh bằng giọng nói, mũ phi công hiện đại có kính ngắm và màn hình, các hệ thống phòng thủ điện tử, và theo dõi bằng laser OSF.
Các thiết bị điện tử trên tiêm kích này được ứng dụng công nghệ tích hợp modun hóa giúp kiểm soát toàn bộ tính năng chính của máy bay như điều khiển bay, hợp nhất dữ liệu, dẫn bắn và giao tiếp giữa các phi công trong phi đội. Tham chiến lần đầu trong chiến dịch Bình minh Odyssey, sau đó, thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya, Mali, Afghanistan và hiện nay - thực chiến tại Syria, Rafale đã nhanh chóng chứng minh giá trị và hiệu quả cao trong các nhiệm vụ chiến đấu, được các chuyên gia quân sự đánh giá cao.