"Mùa đông tử thần" tới gần, binh sĩ Trung-Ấn vẫn nói không với hòa giải: "Đại chiến" trong sương mù?

Tất Đạt |

Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã kéo dài tới tuần thứ 13, vượt qua mốc thời gian 72 ngày đối đầu ở cao nguyên Doklam hồi năm 2017.

Căng thẳng chưa chấm dứt

Hai bên đã có 9 cuộc đối thoại ngoại giao và quân sự, bao gồm hai cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ S Jaishankar cũng như cuộc đối thoại của ông Vương với Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval.

Vào tối ngày 28/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói việc rút lui quân đội hai nước "ở hầu hết các địa điểm" dọc biên giới đã hoàn thành, nhưng ngầm hàm ý rằng tình hình vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.

Ít nhất 20 lính Ấn Độ và một số lượng không xác định binh sĩ Trung Quốc đã tử vong trong cuộc đụng độ ngày 15/6 ở thung lũng sông Galwan - dọc đường biên giới dài 3.488km, hay còn được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Ladakh. Vụ việc đã khiến hai nước tăng cường điều quân và phương tiện quân sự tới đây.

"Tình hình hiện tại tiếp tục được giải quyết theo hướng giảm căng thẳng," ông Uông nói và cho biết hai nước Trung - Ấn tiếp tục tổ chức đối thoại với nhau ở cấp độ quân sự.

"Chúng tôi hi vọng rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận chung, áp dụng điều khoản mà hai nước cùng thống nhất để duy trì hòa bình tại khu vực".

Các nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết họ có thể rút lui khỏi các vị trí tiền tuyến nhưng "giảm căng thẳng" bằng cách giảm số lượng binh sĩ sẽ tốn nhiều thời gian hơn.

Địa hình nguy hiểm

Mặc dù New Delhi chưa đưa ra phản hồi với bình luận của ông Uông, các nhà phân tích và cựu binh Ấn Độ lo ngại rằng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy tình hình căng thẳng sẽ sớm kết thúc.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nói ông không thể "đảm bảo kết quả" của cuộc đối thoại giữa hai quốc gia. Trước đó, truyền thông Ấn Độ cũng đưa một số thông tin cho rằng những cuộc đối thoại giảm căng thẳng ở biên giới đã rơi vào bế tắc bởi vì binh sĩ Trung Quốc từ chối "rút lui theo như thỏa thuận giữa hai nước".

Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chấp thuận cho quân đội mua khẩn cấp một lượng vũ khí trị giá 40 triệu USD "vì tình hình phức tạp ở biên giới miền Bắc".

Các đơn hàng này - mặc dù không được tiết lộ chính thức - nhưng có thể bao gồm hàng loạt loại vũ khí, bao gồm thiết bị bay không người lái (drone), tên lửa đất đối không và súng trường tấn công.

Theo SCMP, các nhà phân tích cho rằng nếu các cuộc đụng độ tiếp tục kéo dài tới tháng 10 ở dãy Himalaya, khi nhiệt độ xuống dưới -40 độ C và tầm nhìn cực kì hạn chế, thì các cuộc đụng độ tại đây sẽ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Hồi tháng trước, tuy không bên nào nổ súng - theo như thỏa thuận biên giới giữa hai nước - nhưng binh sĩ hai phía đã dùng tay không, gậy gỗ, chùy sắt quấn dây thép gai và ném đá vào nhau.

Sanjay Kulkarni - một tướng quân đội Ấn Độ đã nghỉ hưu từng hoạt động tại Siachen Galcier, vùng chiến trường cao nhất thế giới ở độ cao hơn 6.700m và nhiệt độ có thể xuống dưới -70 độ C - nói tầm nhìn ở núi cao vào mùa đông có thể ở ngưỡng dưới 1 mét do sương mù, và điều này có thể "làm gia tăng khả năng các đội tuần tra biên giới của hai nước chạm trán nhau mà không hay biết".

"Nếu không đạt được thỏa thuận, khi các binh sĩ vô tình chạm trán nhau trên đường tuần tra, họ có thể đụng độ trở lại, bắt sống binh sĩ đối phương và tạo ra tình hình căng thẳng ở biên giới," ông nói.

Syed Ata Hasnain, một tướng nghỉ hưu khác của Ấn Độ, nhận xét khu vực biên giới có thể sẽ tiếp diễn với tình trạng "không chiến tranh, không hòa bình" tới mùa đông.

"Trung Quốc đang cố gắng phá vỡ chiến lược của Ấn Độ và đây là một phần trong kế hoạch địa chính trị của Trung Quốc nhằm có lợi thế trong việc thiết lập lại trật tự thế giới thời hậu COVID-19," ông nói.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại