Tâm lý bài Hoa ở Ấn Độ
Kể từ khi 20 quân nhân Ấn Độ tử trận do đụng độ với quân Trung Quốc ở Galwan thuộc khu vực biên giới Ấn-Trung vào giữa tháng 6/2020, người ta có thể cảm nhận rõ trong công chúng Ấn Độ một tâm lý tức giận với Trung Quốc. Trong nội bộ Ấn Độ đã có những lời kêu gọi ngày càng nhiều về một phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ Ấn Độ, bao gồm tăng cường quan hệ đối tác với đảo Đài Loan (Trung Quốc) cũng như gia tăng ủng hộ cho vùng Tây Tạng và nhà lãnh đạo tinh thần Đạt Lai Lạt Ma. (Tây Tạng là một vùng tự trị ở Trung Quốc nhưng một bộ phận người dân Tây Tạng muốn ly khai - ND).
Khoảng 10 ngày sau vụ đụng độ Galwan, Pema Khandu - Thủ hiến của bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ), đã đề cập Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ngăn chia Ấn Độ với Trung Quốc như là “biên giới Ấn Độ-Tây Tạng”.
Liên quan đến phát ngôn của Thủ hiến Pema Khandu, có mấy điểm đáng lưu ý sau: 1- Ông đưa ra phát biểu đó tại một cuộc họp của quân đội Ấn Độ ở chốt biên phòng Bumla. 2- Ông thuộc BJP là đảng cầm quyền ở Ấn Độ. 3- Nhiều phần đất của bang Arunachal Prades bị phía Trung Quốc ra yêu sách chủ quyền, coi là thuộc về “miền nam Tây Tạng”.
Ấn Độ cũng thi thoảng đả động đến vấn đề Tây Tạng mỗi khi có mâu thuẫn với Trung Quốc. Điều này đương nhiên “rất êm tai” với các nhà hoạt động chính trị ở Tây Tạng – những người mong được Ấn Độ hậu thuẫn tích cực trong một thời gian dài.
Tenzin Tsundue – một nhà văn Tây Tạng, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây đã nhắc lại lời của Khandu và cho rằng biên giới nói trên phải được gọi là “biên giới với Tây Tạng chứ không phải là biên giới với Trung Quốc”.
Không có gì lạ, truyền thông Trung Quốc đã phản bác dữ dội các quan điểm như trên.
Phe ủng hộ dùng vấn đề Tây Tạng làm công cụ đối phó Trung Quốc
Hiện đang có tranh cãi về mức độ Ấn Độ phản ứng lại trước vấn đề Tây Tạng trong bối cảnh Ấn Độ hứng chịu áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Một số nhà bình luận trong công chúng Ấn Độ ủng hộ nước này “chơi lá bài Tây Tạng” trong khi những người khác thì thận trọng hơn.
Trước khi có đụng độ chết người mới đây ở vùng biên thì vào năm 2018, tổ chức dân tộc chủ nghĩa Hindu Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS) đã lập luận rằng cần phải đánh giá lại chính sách của Ấn Độ đối với vấn đề Tây Tạng.
Một số nhân vật nổi bật của đảng BJP đã ủng hộ việc mở lại vấn đề Tây Tạng, thậm chí họ còn ủng hộ quyền của người Tây Tạng được tồn tại như một “dân tộc tự do”.
Những tiếng nói như thế này ngày càng lớn hơn ở Ấn Độ. Một sĩ quan cao cấp hưu trí của quân đội Ấn Độ đã viết về tầm quan trọng chiến lược của Tây Tạng và cho rằng đã đến lúc “thách thức tính hợp pháp của yêu sách Trung Quốc đối với Tây Tạng”.
Trong một bài bình luận trên tờ Business World, Krishan Varma – cựu giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại Ấn Độ, nêu ra lý do vì sao phải đánh giá lại chính sách của Ấn Độ về Tây Tạng. Ông này lập luận rằng một cách tiếp cận mới của Ấn Độ trong chính sách đối với Tây Tạng “có tiềm năng thực sự gây ra xáo động lớn trong khu vực nhạy cảm của Trung Quốc”. Ông này cho rằng Ấn Độ có thể làm tốt việc gắn kết chính sách của mình về vấn đề này với Mỹ.
Tương tự, một bài xã luận trên tờ Hindustan Times của Ấn Độ đã kêu gọi tư duy lại chính sách của Ấn Độ đối với Tây Tạng. Bài viết cho rằng Ấn Độ có cách tiếp cận thiếu nhất quán đối với Tây Tạng và rằng Ấn Độ cần vứt bỏ sự ngần ngừ. Bài xã luận cho rằng trong khi Ấn Độ tiếp tục tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thì Trung Quốc lại không hồi đáp tương ứng. Bài viết kêu gọi phải tôn vinh Đạt Lai Lạt Ma bằng giải thưởng dân sự cao nhất của Ấn Độ, đồng thời kêu gọi nước này nêu cao các quyền của người Tây Tạng trên các diễn đàn quốc tế.
Phe thận trọng
Tuy nhiên đồng thời cũng có nhiều nhà bình luận Ấn Độ cảnh báo không nên áp dụng "lá bài Tây Tạng".
Chẳng hạn, Suhasini Haidar bình luận vào năm 2018 rằng ý tưởng sử dụng quân bài Tây Tạng là lạc hậu với thực địa ở Tây Tạng, và Ấn Độ không nên sử dụng cộng đồng người Tây Tạng sống ở Ấn Độ làm công cụ chiến lược của mình.
Cũng vào năm 2018, Sudha Ramachandran thậm chí còn khẳng định rằng Ấn Độ chưa bao giờ sở hữu quân bài Tây Tạng cả, vì Ấn Độ và người Tây Tạng đã chấp nhận công thức một nước Trung Quốc, các nỗ lực duy trì con bài Tây Tạng chỉ làm Trung Quốc tức giận thêm mà “không đem lại lợi lộc thấy rõ nào” cho Ấn Độ.
Tương tự, nhà phân tích P. Stobdan - chuyên về Trung Quốc, cho rằng ý tưởng về lá bài Tây Tạng là điều dớ dẩn. Ông này cho rằng chiến lược gặm nhấm dần của Trung Quốc đã thành công trước Ấn Độ, còn Ấn Độ đã không thu được thành quả nào trong chính sách của mình với Trung Quốc trong 60 năm qua. Theo ông, chính Ấn Độ lại đang bị kẹt trong “bãi mìn” Tây Tạng.
Trên thực tế, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Modi trong các năm qua cũng không có cách tiếp cận nhất quán nào đối với Tây Tạng.
Vào tháng 12/2016, Đạt Lai Đạt Ma được mời tới phủ Tổng thống Ấn Độ ở thủ đô New Delhi trong một sự kiện tôn vinh những người đoạt giải Nobel, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Tháng 3/2017, Đạt Lai Đạt Ma lại được tới Tawang. Tháng 7 năm đó, trong bối cảnh xung đột ở Doklam giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhà lãnh đạo Lobsang Sangay của chính quyền Tây Tạng lưu vong được phép treo cờ Tây Tạng ở Ladakh thuộc khu vực biên giới Ấn-Trung.
Nhưng kể từ sau đụng độ Ấn-Trung năm 2017, New Delhi đã cố gắng giảm sự hiện diện của người Tây Tạng ở Ấn Độ, thậm chí còn ngăn các quan chức của chính quyền Tây Tạng lưu vong dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày Đạt Lai Lạt Ma đi lưu vong.
Như vậy ít khả năng chính quyền đương nhiệm của Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ sử dụng quân bài Tây Tạng dẫu cho trong công chúng nước này có nhiều người muốn như vậy do tâm lý phẫn nộ trước Trung Quốc./.