"Mùa đóng góp hãi hùng" ở Thanh Hoá: Luật sư nói gì?

Minh Tuệ - Thanh Đào |

Theo LS Phạm Văn Phất, về tình trạng lạm thu ở Thanh Hoá, nếu xác định được có động cơ cá nhân, những người liên quan có thể bị xử lý về tội "lạm quyền trong khi thi hành công vụ".

> Mời xem cả loạt bài về "mùa đóng góp hãi hùng" ở Thanh Hóa TẠI ĐÂY

Mới đây, liên quan đến tình trạng lạm thu ở xã Hà Vinh, huyện Hà Trung (Thanh Hoá), trong văn bản gửi Báo Trí Thức Trẻ do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn ký, tỉnh này đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc thu phí và các khoản đóng góp của nhân dân sai quy định.

Văn bản này cũng đánh giá một số cán bộ thôn thực hiện với tinh thần chỉ đạo của xã về thu đóng góp, thu nợ chưa đúng, mang tính áp đặt, vô cảm, gây bức xúc trong nhân dân.

Để giúp độc giả có thể hiểu hơn về những hành động cưỡng ép người dân nộp tiền sản, quỹ bằng cách thu bò, thu tivi, thu xe... của các cán bộ thôn, xã ở Hà Vinh, Hà Trung, Thanh Hoá dưới góc độ luật pháp, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn một số luật sư.

Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hoá: Luật sư nói gì? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Chính (một người dân ở xã Hà Vinh) cho biết chiếc tivi này của nhà ông đã từng bị "tạm" thu

Có nghị quyết hay không, thu bò của dân là trái quy định pháp luật

Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng VPLS Danh Chính (Đoàn LS Hà Nội) khẳng định: "Việc thu trâu, bò, xe, tivi của nhân dân để ép người dân phải đóng các khoản tiền còn nợ phát sinh từ việc nợ thuế nông nghiệp, nợ các khoản đóng góp cho các loại quỹ là trái quy định của pháp luật, kể cả trong trường hợp có hay không có nghị quyết của xã và thôn".

Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hoá: Luật sư nói gì? - Ảnh 2.

LS Chu Mạnh Cường - Trưởng VPLS Danh Chính

Vị luật sư này lý giải, về nguyên tắc, pháp luật bảo vệ quyền sở hữu của người dân đối với các tài sản hợp pháp của họ.

Tài sản hợp pháp của người dân chỉ bị tịch thu, kê biên trong các trường hợp do pháp luật quy định và phải tuân theo các trình tự, thủ tục chặt chẽ, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

Theo quy định của pháp luật thì nghị quyết của xã, thôn không phải là cơ sở pháp lý để tạm giữ, tịch thu, kê biên tài sản hợp pháp của công dân.

Trong trường hợp người dân nợ các loại tiền thuế đối với Nhà nước thì về nguyên tắc họ sẽ phải chịu lãi suất phát sinh theo quy định của pháp luật, và cơ quan thuế có quyền thực hiện các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo việc thu tiền thuế cho Nhà nước.

Tuy nhiên, việc cưỡng chế, kể cả biện pháp kê biên tài sản người nợ thuế phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục.

"Đối với các khoản thu đóng góp các loại quỹ tại địa phương, cần xác định chính xác quỹ nào là bắt buộc, quỹ nào là đóng góp trên tinh thần tự nguyện.

Về nguyên tắc, đối với các loại quỹ đóng góp trên tinh thần tự nguyện, thì không thể xác định là khoản nợ của người dân để buộc họ phải nộp trong điều kiện họ không thể có khả năng nộp", ông Cường cho hay.

Đối với các "khoản nợ từ đời trước để lại" mà bài báo đã nêu, người dân gọi là "nợ Liễu Thăng", theo LS Cường, cần phải xem xét lại.

Ông Cường nói: "Theo quy định của pháp luật về thừa kế, khi một người đã chết, nếu không để lại di sản thì những người còn sống được không có nghĩa vụ phải trả khoản nợ của người đã chết, trừ khi họ là người được hưởng di sản, và cũng chỉ có nghĩa vụ trả trong phạm vi giá trị di sản được hưởng".

Trước câu hỏi về vấn đề chính quyền gây khó dễ trong các thủ tục hành chính để tạo sức ép buộc người dân phải nộp các khoản tiền còn nợ, ông Cường cũng khẳng định việc làm đó là không đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Cường, về nguyên tắc, người dân được quyền hưởng các dịch vụ công do các cơ quan Nhà nước thực hiện, đó là những hoạt động phục vụ các lợi ích chung, thiết yếu, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của tổ chức và công dân.

Ví dụ: Trong trường hợp chính quyền xã từ chối hoặc gây khó khăn cho việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em chỉ vì lý do cha mẹ cháu còn nợ tiền sản, tiền góp quỹ là trái quy định của pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

"Nếu làm rõ được động cơ cá nhân thì có thể khởi tố vụ án hình sự"

Trong một cuộc trao đổi khác liên quan đến vấn đề này, LS Phạm Văn Phất - Trưởng VP LS An Phát Phạm (Đoàn LS TP.Hà Nội) cũng cho rằng:

"Cần phải khẳng định việc lấy tài sản (trâu bò, xe, ti vi) để trừ nợ (bất cứ khoản nợ có nguồn gốc thế nào) mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu là vi phạm pháp luật (xâm phạm quyền sở hữu), trừ trường hợp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc cưỡng chế thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án".

Ông Phất khẳng định: Nếu xác định được có mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, thì những người liên quan có thể bị xử lý về tội "lạm quyền trong khi thi hành công vụ".

Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hoá: Luật sư nói gì? - Ảnh 3.

Luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng VPLS An Phát Phạm (Ảnh: Vũ Thuỷ)

Ngoài ra, LS Phất phân tích cụ thể: "Nếu việc thu tài sản của dân có nghị quyết của xã và thôn thì có thể xác định những người trực tiếp thu tài sản của dân không vì động cơ cá nhân.

Tuy nhiên nếu không có nghị quyết của xã và thôn, trường hợp này có nhiều khả năng những người trực tiếp thu tài sản của dân vì động cơ cá nhân".

Trong trường hợp này, theo ông Phất, nếu làm rõ được động cơ cá nhân thì có thể khởi tố vụ án hình sự.

Vị luật sư này cũng cho rằng, đối với các thủ tục hành chính, khi có đủ thủ tục, đúng đối tượng thì cơ quan Nhà nước buộc phải giải quyết. Nếu đã đúng đối tượng và đủ thủ tục mà không giải quyết vì bất cứ lý do gì là vi phạm pháp luật.

Liên quan đến sự việc này, qua văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Thị Thìn ký, chính quyền tỉnh Thanh Hoá thể hiện quan điểm là phải kiểm tra, rà soát kỹ và xử lý kiên quyết, chấm dứt thu đối với các khoản thu không đúng quy định của pháp luật.

UBND huyện Hà Trung sẽ phải có kết luận rõ đúng sai, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan nếu có sai phạm, báo cáo tỉnh trước ngày 10/10.

Đồng thời, huyện Hà Trung cũng được yêu cầu phải chỉ đạo các xã dừng ngay việc thu và xóa nợ các khoản thu trái quy định, cân đối nguồn để trả cho các đối tượng được miễn (nếu nhân dân không đồng ý đóng), có biện pháp đôn đốc thu các khoản theo quy định của Nhà nước mà nhân dân còn nợ.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo rà soát, kiểm tra các khoản thu ở tất cả các xã, thị trấn thuộc huyện, dừng các khoản thu không đúng quy định. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh qua Sở Tài chính trước ngày 30/10/2016; Sở báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 12/11/2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại