Ấn Độ - đồng minh thân cận nhất của Bhutan - đã bị sốc khi Trung Quốc hồi mùa hè vừa qua đột ngột đưa ra yêu sách chủ quyền đối với một vùng đất trước đó không được xem là có tranh chấp với Bhutan.
BBC cho hay, hầu hết các nhà bình luận của Bhutan không thảo luận chi tiết, song nhiều người tin rằng Bắc Kinh đang tìm cách kéo đất nước nhỏ bé với 750.000 dân này vào cuộc tranh giành lãnh thổ với Ấn Độ.
Kể từ tháng 4, hai quốc gia đông dân nhất thế giới đã triển khai hàng chục nghìn binh lính đến Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước, đồng thời Trung-Ấn cáo buộc lẫn nhau xâm nhập lãnh thổ đối phương.
Ấn Độ và Bhutan là hai trường hợp ngoại lệ trong số hơn 10 quốc gia có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, mà Bắc Kinh tuyên bố là hầu như đã dàn xếp xong về vấn đề biên giới. Không có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán nhiều năm qua về các khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan.
Trung Quốc muốn "chọc giận" Bhutan
Động thái bất ngờ của Bắc Kinh diễn ra tại một phiên đối thoại trực tuyến vào tháng 6 năm nay, khi lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với Khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng, rộng khoảng 740 km2, nằm ở phía Đông Bhutan.
Chính phủ Bhutan đề nghị Quĩ môi trường toàn cầu (tiếng Anh: Global Environmental Facility - GEF) tài trợ cho các dự án tại công viên bảo tồn nói trên. Tuy nhiên các đại diện Trung Quốc phản đối đề xuất, tuyên bố khu vực này đang có tranh chấp và không nên giải ngân ngân sách tại đây.
Thimphu bác bỏ khẳng định của phía Trung Quốc, nhấn mạnh khu bảo tồn Sakteng chưa bao giờ là một phần trong 24 vòng đàm phán đã qua về biên giới giữa hai nước. Vòng đàm phán thứ 25 dự kiến tổ chức đầu năm nay nhưng phải hoãn lại do dịch Covid-19 bùng phát.
Khu bảo tồn Sakteng có hệ sinh thái đa dạng và có nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm cư trú (Ảnh: BBC)
Vào tháng 7/2020, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố "biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan vẫn chưa được phân định, và khu vực trung tâm, phía Đông cùng phía Tây của đường biên giới đang có tranh chấp".
Trong đó, khu vực "phía Đông" mà ông Uông nêu được cho là đề cập khu bảo tồn Sakteng.
BBC trích lời nhà sử học người Bhutan Karma Phuntsho nói, "Công viên quốc gia Sakteng chưa bao giờ là một khu vực tranh chấp và luôn do Bhutan quản lý. Không có bằng chứng về bất kỳ sự liên quan nào [của khu vực này] với Trung Quốc."
"Khẳng định gần đây của một quan chức Trung Quốc tại Quĩ môi trường toàn cầu có thể là ý định của Trung Quốc nhằm khiêu khích Bhutan rằng vẫn còn những tranh chấp biên giới khác phải dàn xếp ở những khu vực khác."
Mượn Bhutan để dọa Ấn Độ
Đàm phán về biên giới giữa Thimphu và Bắc Kinh từ năm 1984 chủ yếu tập trung vào khu vực rộng 269 km2 ở phía Tây và một diện tích 500 km2 ở phía Bắc Bhutan.
Tenzing Lamsang, nhà sáng lập tuần san The Bhutanese, nói "tất cả bản đồ chính thức của Trung Quốc đều cho thấy Sakteng là một phần của Bhutan".
"Vào năm 2014, Trung Quốc tung ra bản đồ tham vọng nhất của họ, thể hiện nhiều yêu sách lãnh thổ lớn," ông Lamsang cho hay, nhấn mạnh "ngay cả bản đồ này cũng thể hiện công viên Sakteng là một phần của Bhutan".
Bhutan đã quen với việc bị "kẹp giữa" thế đối đầu Trung-Ấn. Các đối thoại biên giới bị ngưng trệ sau cuộc khủng hoảng 3 năm trước ở vùng cao nguyên Doklam, mà Trung Quốc gọi là Donglang.
Tháng 6/2017, các binh sĩ Ấn Độ đã đối đầu với quân đội Trung Quốc, khi phía Trung Quốc bị cáo buộc bắt đầu mở rộng một con đường ở khu vực ngã ba trọng yếu giữa Trung-Ấn-Bhutan. Bhutan có yêu sách chủ quyền đối với địa điểm này, nhưng Ấn Độ "thay mặt" nước đồng minh nhỏ bé để thách thức Bắc Kinh.
Cao nguyên kể trên có tầm quan trọng chiến lược với New Delhi bởi nó hướng xuống hành lang Siliguri - còn gọi là "cổ gà" - một dải đất hẹp kết nối các bang vùng Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của đất nước. Ấn Độ lo ngại nếu xung đột xảy ra trong tương lai, quân Trung Quốc có thể chiếm hành lang then chốt này.
Dù Trung-Ấn nhất trí "thoát ly tiếp xúc" qua các vòng đám phán, căng thẳng biên giới được dự báo có thể leo thang. Nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Trung Quốc tạo dựng mạng lưới dày đặc cơ sở quân sự - gồm cả các bãi đỗ trực thăng - cách không xa điểm nóng tại Doklam/Donglang.
Quyết định của Trung Quốc khi áp đặt yêu sách với khu bảo tồn Sakteng lúc này được xem là nằm trong bối cảnh của cuộc đối đầu rộng hơn, với các bên cạnh tranh giành lợi thế.
"Đây là một cách để gây sức ép lên Ấn Độ chứ không phải Bhutan. Khu bảo tồn Sakteng tiếp giáp bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ - mà Trung Quốc cũng có yêu sách chủ quyền. Dường như Bắc Kinh coi Sakteng là một phần mở rộng của Arunachal Pradesh," giáo sư chuyên ngành quốc tế Sangeeta Thapliyal, từ Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi, nhận định.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lu Yang - nhà nghiên cứu tại Viện Sáng kiến Vành đai, Con đường thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc - khẳng định yêu sách với Sakteng "không phải là Trung Quốc đang bắt nạt Bhutan trong vấn đề biên giới. Đó là bởi tranh chấp biên giới Bhutan-Trung Quốc không thể tách rời khỏi tranh chấp Ấn Độ-Trung Quốc. Đây là thách thức chủ yếu."
Từ quan điểm của Bắc Kinh, bà Lu nói "giải pháp cho biên giới phía Đông Trung-Ấn là điều kiện tiền đề cho giải pháp biên giới Bhutan-Trung Quốc".
Lựa chọn ít ỏi cho Bhutan
Căng thẳng giữa Trung-Ấn ở vùng biên giới Ladakh từ mùa hè năm nay đã diễn biến đến mức xấu nhất trong nhiều thập kỷ và cho thấy sự khó khăn để hạ nhiệt.
Vụ đụng độ giữa binh lính hai nước ở khu vực này hôm 15/6 làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi phía Trung Quốc cũng có thương vong không được công bố. Đây là cuộc đụng độ đẫm máu nhất tại biên giới hai nước trong vòng 45 năm.
Trải qua một số vòng đàm phán, dù đôi bên đồng ý xuống thang căng thẳng, nhưng các hoạt động củng cố lực lượng và sẵn sàng cho cuộc giằng co xuyên mùa đông lạnh giá vẫn tiếp tục diễn ra.
Bằng cách gây sức ép với Bhutan, Bắc Kinh dường như đang thăm dò phương án hỗ trợ của New Delhi với đồng minh. Các láng giềng của Ấn Độ cũng đang theo dõi chặt chẽ lựa chọn giải pháp của Delhi nhằm ứng phó sức mạnh gia tăng về quân sự lẫn kinh tế của Trung Quốc.
"Con đường tiếp cận với thế giới của chúng tôi là thông qua Ấn Độ. Có cảm giác rằng nếu Bhutan cố gắng phớt lờ Ấn Độ để đi với Trung Quốc thì điều này sẽ là tự sát," nhà phân tích ẩn danh người Bhutan nói với BBC.
Theo chuyên gia này, giải pháp là tiếp cận với Trung Quốc đồng thời tôn trọng các lợi ích an ninh của Ấn Độ.
Nhà sử học Phuntsho cho rằng các nước nhỏ hơn không có lựa chọn nào hơn là vẫn phải thấp thỏm khi nằm giữa Trung-Ấn.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus