Nước láng giềng nổi giận vì TQ tự nhiên gọi vùng đất bình thường là "đất tranh chấp lâu năm"

Tất Đạt |

Bắc Kinh đã lần đầu tiên đưa "vùng miền Đông" của Bhutan vào danh sách những khu vực tranh chấp biên giới giữa hai quốc gia.

Tuyên bố lạ từ Trung Quốc

Vài ngày sau khi Bhutan gửi công hàm phản đối những yêu sách của Trung Quốc đối với khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng ở Đông Bhutan, Bắc Kinh lại tiếp tục "tấn công", đưa luôn vùng Đông Bhutan vào danh sách các khu tranh chấp biên giới giữa hai quốc gia.

"Khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan chưa bao giờ được phân định. Đã có nhiều tranh chấp quanh vùng miền đông, vùng trung tâm và vùng phía tây trong một thời gian dài," Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MFA) thông báo cho truyền thông nước này tại Bắc Kinh.

Theo The Hindu, đây là phản hồi của MFA đối với những câu hỏi liên quan tới sự việc hồi tháng trước khi Trung Quốc ngừng cấp vốn cho khu bảo tồn Sakteng theo chương trình phát triển thuộc Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) của Liên Hợp Quốc với lí do rằng đây là vùng đất tranh chấp.

Tuy nhiên, theo như các văn bản đã có, không hề có văn bản nào nhắc tới Đông Bhutan - hay quận Trashigang Dzongkhag (nơi có khu bảo tồn Sakteng) - trong 24 phiên đàm phán về biên giới giữa hai quốc gia được tổ chức từ năm 1984 tới năm 2016. Hoạt động đàm phán đã tạm dừng từ sau khi có cuộc đụng độ ở Doklam giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc hồi năm 2017.

Nước láng giềng nổi giận vì TQ tự nhiên gọi vùng đất bình thường là đất tranh chấp lâu năm - Ảnh 1.

Ảnh: Wind Horse

Tháng 7/2018, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Kong Xuanyou đã tới thăm Bhutan gặp vua Bhutan, Thủ tướng và các quan chức cấp cao khác của nước này, nhưng vòng đối thoại lần thứ 25 vẫn chưa được tổ chức. Các nguồn tin cho biết những buổi đối thoại đã không thể tổ chức trong năm 2019 vì nhiều vấn đề trục trặc, sau đó dịch COVID-19 khiến mọi thứ đều bị trì hoãn lâu hơn.

Chính phủ Bhutan và Đại sứ quán nước này tại Delhi đã từ chối đưa ra bình luận về vụ việc. Tờ The Hindu nhận định Bhutan thường giữa im lặng về nội dung các cuộc đàm phán biên giới với Trung Quốc, và nước này không có bất kì mối quan hệ ngoại giao chính thức nào với Bắc Kinh.

Tháng trước, Bhutan đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi để phản đối quyết định của Trung Quốc tại buổi họp của GEF về hàng loạt các dự án khác nhau. Khu bảo tồn Sakteng trước đây đã nhận được nhiều khoản đầu tư cho các chương trình ngăn xói mòn đất mà không nhận bất kì sự phản đối nào từ Trung Quốc.

"Thông điệp mạnh mẽ"

"Bhutan đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc," một nguồn tin cho hay. Phía Bhutan cho rằng đại diện của Trung Quốc tại buổi họp hội đồng GEF không phải là một quan chức Bộ Ngoại giao mà là một Phó Tổng Giám đốc (DDG) trong Ban Hợp tác Tài chính và Tiền tệ Trung Quốc, do đó quyết định ngừng tài trợ là quyết định chưa được suy nghĩ thấu đáo.

Theo như biên bản tổng kết của Chủ tịch Ủy ban GEF được công bố ngày 16/6 về buổi họp online tổ chức ngày 2-3/6, ông Aparna Subramani, quan chức của Ngân hàng Thế giới đại diện cho Bhutan, Ấn Độ, Bangladesh, Maldives và Sri Lanka, đã phát biểu: "Bhutan hoàn toàn phủ nhận thông điệp được đưa ra bởi Trung Quốc. Khu bảo tồn hoang dã Sakteng là một phần lãnh thổ có chủ quyền của Bhutan và chưa bao giờ xuất hiện trong các cuộc đàm phán biên giới giữa Bhutan và Trung Quốc với vai trò là một vùng đất đang tranh chấp".

"Bhutan hi vọng cách phản ứng của nước này sẽ giúp kết thúc vấn đề," nguồn tin nói.

Theo các chuyên gia Bhutan, việc Trung Quốc biến Sakteng thành vùng tranh chấp sẽ mở ra những điểm tranh luận mới khi các vòng đối thoại tiếp theo được tổ chức.

"Cuối cùng Bhutan và Trung Quốc sẽ phải giải quyết vấn đề biên giới hoặc những tuyên bố sai lầm như vậy sẽ trở thành áp lực lớn về ngoại giao," một chuyên gia nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại