Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng làng gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ, Bhutan

Hà Linh |

Những hình ảnh chụp từ vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng tại dãy Himalaya dọc biên giới tranh chấp với Ấn Độ và Bhutan. Nhiều chuyên gia nghi ngờ đó là một ngôi làng mới.

Kênh CNN (Mỹ) đưa tin những hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 28/10 cho thấy “có dấu hiệu rõ ràng hoạt động xây dựng đáng kể trong năm nay dọc khu vực thung lũng sông Torsa”. Những hình ảnh này do vệ tinh của công ty có trụ sở tại Mỹ Maxar chụp lại.

Công ty Maxar đã công bố hình ảnh được cho là ngôi làng Pangda mới xây ở biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Ngoài ra là kho quân sự ở phía lãnh thổ Trung Quốc gần nơi diễn ra bất đồng căng thẳng giữa lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc năm 2017.

Đại sứ Bhutan tại Ấn Độ Vetsop Namgyel khẳng định “không hề có ngôi làng Trung Quốc nào trong lãnh thổ nước này”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa phản hồi câu hỏi từ truyền thông liên quan đến những hình ảnh vệ tinh.

Doklam là khu vực tiếp giáp biên giới của 3 quốc gia. Cả Trung Quốc và Bhutan đều tự nhận sở hữu Doklam. Bên cạnh đó, Doklam cũng đóng vai trò chiến lược quan trọng với Ấn Độ bởi gần hành lang Siliguri – tuyến giao thông huyết mạch giữa New Delhi và các bang Đông Bắc.

Nhà phân tích Syed Fazl-e-Haider vào đầu năm nay đã viết bài đăng tải bởi Viện Lowy nhận xét: “Hành lang Siliguri là khu vực chiến lược then chốt và nhạy cảm, được coi là cầu nối duy nhất giữa 8 bang Đông Bắc Ấn Độ và phần còn lại của quốc gia này. Chỉ cần tiến thêm 130 km tại đây, quân đội Trung Quốc có thể cắt đường tiếp tế tới Bhutan, Tây Bengal và các bang Đông Bắc Ấn Độ”.

Ngày 15/6, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột này. Phía Trung Quốc chưa công bố thương vong trong lực lượng quân đội nước này sau vụ việc. Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều cáo buộc nhau từng xâm phạm lãnh thổ.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí tránh leo thang căng thẳng nhưng hình ảnh vệ tinh của công ty Maxar cho thấy Bắc Kinh vẫn duy trì tăng cường lực lượng gần biên giới với Ấn Độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại