Một quốc gia được Trung Quốc giúp xây hầm vượt sông 1 tỷ USD, hút cả trăm tập đoàn kéo về thành lập nhà máy hai bên bờ

Ngọc Hiệp |

Với việc ứng dụng mạnh mẽ công cụ AI vào việc quan trắc, Trung Quốc ngày càng thành công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là với các dự án "khó nhằn".

Một quốc gia được Trung Quốc giúp xây hầm vượt sông 1 tỷ USD, hút cả trăm tập đoàn kéo về thành lập nhà máy hai bên bờ - Ảnh 1.

Ngày 28/10 vừa qua, đường hầm Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman vượt qua sông Karnaphuli ở Bangladesh đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là hầm vượt sông đầu tiên tại Nam Á, đánh dấu kỷ nguyên mới cho khu vực này.

Đường hầm được thực hiện với sự tài trợ chung của chính phủ Bangladesh và Trung Quốc. Một phần vốn xây dựng hầm do Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc hỗ trợ. Ước tính chi phí xây dựng hầm lên tới 1 tỷ USD.

Hầm Bangabandhudo công ty Trung Quốc China Communications Construction Company (CCCC) thi công bắt đầu từ năm 2015. Theo giám đốc của dự án, đường hầm được xây dựng theo thiết kế, công nghệ và tiêu chuẩn Trung Quốc.

Trong quá trình thi công, phía Trung Quốc đã biên soạn hướng dẫn kỹ thuật cho dự án, bao gồm các tiêu chuẩn về đường bộ, cầu và đường hầm, để giúp phát triển ngành này tại Bangladesh.

Trong những dự án xây hầm vượt sông, máy khoan hầm thường được dùng để đào đất, tạo đường hầm. Với hầm Bangabandhu, CCCC đã sử dụng cỗ máy khổng lồ dài 94 mét, nặng 2.200 tấn và đầu cắt nặng tới 220 tấn.

Đáng chú ý, cỗ máy trên được sản xuất tại nhà máy của nhà thầu ở Giang Tô, Trung Quốc và mất một vài năm để hoàn thiện. Sau khi thử nghiệm thành công, cỗ máy được tháo rời và vận chuyển đến Bangladesh trong 120 container. Đến nơi, nó đã được lắp ráp lại và đưa vào hoạt động.

Một quốc gia được Trung Quốc giúp xây hầm vượt sông 1 tỷ USD, hút cả trăm tập đoàn kéo về thành lập nhà máy hai bên bờ - Ảnh 2.

Bên trong đường hầm giai đoạn thi công (Ảnh: SMEC).

Đường hầm sử dụng hệ thống quan trắc dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất để giám sát công trình thông qua các cảm biến. Hệ thống trên cho phép đánh giá nhanh chóng và chính xác tình trạng của đường hầm đồng thời tối ưu hóa hoạt động vận hành và bảo trì.

Một kỹ sư giám sát cho biết nhờ hệ thống quan trắc dựa trên AI, toàn bộ đường hầm sẽ được giám sát liên tục giống như cơ thể con người. CCCC đã lắp đặt cảm biến ở từng bộ phận của đường hầm. Từ đó, nhân viên phụ trách có thể nắm rõ được tình trạng chung của đường hầm, đặc biệt là nhiệt độ, ánh sáng, độ rung hay vết nứt… khi ngồi trong phòng giám sát và không cần ra ngoài kiểm tra trừ khi xảy ra trường hợp khẩn cấp.

Một quốc gia được Trung Quốc giúp xây hầm vượt sông 1 tỷ USD, hút cả trăm tập đoàn kéo về thành lập nhà máy hai bên bờ - Ảnh 3.

Lối vào của đường hầm (Ảnh: Xinhua).

Từ khi đường hầm được xây dựng, nhiều nhà máy mới đã được thành lập trong khu vực. Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh (FBCCI) cho biết một thập kỷ trước, ở hai bên bờ sông Karnaphuli thậm chí còn không có đơn vị công nghiệp nào.

Ở thời điểm hiện tại, gần 100 tập đoàn công nghiệp và 350 doanh nhân đã mua đất để thành lập nhà máy thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như điện, dầu khí, may mặc, đóng tàu, chế biến thủy sản, thép và lọc dầu ở khu vực phía nam con sông. Ngoài ra, hàng nghìn nhà máy ở phía bắc đường hầm đã thu hút được nhiều đầu tư hơn. Bên cạnh đó, đường hầm còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành du lịch trong khu vực.

Ông Obaidul Quader - Bộ trưởng Bộ Giao thông Đường bộ và Cầu đường Bangladesh gọi hầm Bangabandhu là một "thành tựu to lớn", mở ra kỷ nguyên mới về giao thông vận tải tại quốc gia này và là "niềm tự hào dân tộc to lớn" của người dân.

Ông Anand Barua, một người dân địa phương chia sẻ: “Đây là cơ hội tuyệt vời cho người dân hai bên cũng như thương mại và du lịch. Chúng tôi rất cảm kích phía Trung Quốc đã xây dựng đường hầm này”.

Nguồn: TBS News, CGTN, Xinhua

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại