Một năm đầy bão táp trong quan hệ Nga-Ukraine và nguy cơ bùng nổ xung đột

Hồng Anh-Đặng Cường |

Năm 2021 đánh dấu một năm leo thang căng thẳng mới trong quan hệ giữa Nga với Ukraine và phương Tây khi Moscow 2 lần ồ ạt triển khai quân đến khu vực biên giới gần Ukraine, kèm theo đó là một loạt tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Putin về 'lằn ranh đỏ'.

Các hình ảnh vệ tinh công bố hồi đầu tháng 11, cho thấy lực lượng Nga tập trung tại nhiều địa điểm sát Ukraine, gồm nhiều xe bọc thép, xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo, bệ phóng tên lửa … khiến Mỹ và NATOcảnh báo nguy cơ Nga có thể tấn công quốc gia láng giềng, nhưng điện Kremlin bác bỏ đồn đoán này, đồng thời chỉ trích các hoạt động gia tăng của NATO trong khu vực và cáo buộc Mỹ hành động khiêu khích ở Biển Đen.

Một năm đầy bão táp trong quan hệ Nga-Ukraine và nguy cơ bùng nổ xung đột - Ảnh 1.

Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận tại vùng Rostov giáp với Ukraine ngày 10/12. Ảnh: Reuters.

Trước đó, vào tháng 4/2021, Nga cũng đặt Ukraine và phương Tây vào trạng thái báo động khi triển khai hàng chục nghìn binh sĩ dọc biên giới với Ukraine. Moscow sau đó đã điều lượng binh sĩ này quay về căn cứ.

Có hay không nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công?

Nhận định về tình hình biên giới Nga-Ukraine hiện nay, ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt-Nga, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương cho rằng, so với đợt triển khai quân đầu tiên, đợt triển khai lần thứ 2 này của Nga có quy mô lớn hơn với 100.000 binh sỹ (theo đánh giá của Ukraine) cùng nhiều vũ khí hiện đại.

Tuy vậy, rất khó có khả năng xảy ra một cuộc tấn công giống như những gì phương Tây cảnh báo bởi tất cả hoạt động quân sự Nga thực hiện đều gói gọn trong biên giới của Nga và không có dấu hiệu tiến xa hơn. Trên thực địa chưa có nhiều diễn biến đáng lo ngại, chủ yếu là căng thẳng qua các tuyên bố và trên truyền thông, đặc biệt là truyền thông phương Tây.

Hơn nữa, chính Nga cũng khẳng định rằng, họ không có ý định tấn công Ukraine và hoạt động nói trên vừa là để cảnh báo lại vừa đáp trả động thái "gây căng thẳng" của NATO trong thời gian vừa qua.

Việc phương Tây liên tiếp tiến hành tập trận chung với Ukraine và Ba Lan, điều tàu chiến, máy bay trinh sát tới Biển Đen và áp sát biên giới Nga, đã khiến Moscow nhận thấy rằng cần phải có các biện pháp đảm bảo an ninh quốc phòng của nước này.

Theo ông Nguyễn Đăng Phát, thông qua việc điều động quân đội đến gần biên giới Ukraine, Nga cũng muốn gửi thông điệp cứng rắn đến phương Tây rằng không nên bước qua "lằn ranh đỏ" của Nga.

"Lằn ranh đỏ" ở đây chính là việc NATO không nên mở rộng sự hiện diện về phía Đông, kết nạp Ukraine hoặc triển khai vũ khí tại những nước giáp biên giới Nga. Điều này đã được Tổng thống Putin nói đến trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/12.

Chuyên gia này nhận định, dù ít có nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công từ phía Nga như Ukraine cảnh báo, nhưng không loại trừ khả năng xuất hiện những vụ đụng độ nhỏ. Chính phủ Nga từng nói đến việc sẽ thực hiện động thái trừng phạt hay đáp trả nếu phía Ukraine có hành vi khiêu khích.

Trong trường hợp này sự đáp trả từ phía Nga sẽ là hành động quân sự chớp nhoáng, nhằm vào một điểm cụ thể chứ không phải là cuộc tấn công quy mô lớn.

Một năm đầy bão táp trong quan hệ Nga-Ukraine và nguy cơ bùng nổ xung đột - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt-Nga, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương .

Sự can dự ngày càng lớn của Mỹ

Theo ông Nguyễn Đăng Phát, cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ bị chi phối bởi nhân tố Nga và còn có một nhân tố vô cùng quan trọng khác đó là Mỹ. Mỹ là nước đầu tiên cảnh báo cả Ukraine và phương Tây về "một cuộc xâm lược" của Nga.

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ, ông Biden tuyên bố rằng Moscow sẽ chịu hậu quả ghê gớm và thảm khốc nếu tấn công Ukraine.

Phía Mỹ cũng cho biết, ngoài việc cấm vận, đe dọa, trừng phạt thì về mặt quân sự nếu Nga tấn công Ukraine, Mỹ sẽ tăng cường triển khai lực lượng ở các nước thành viên NATO giáp với Nga, chẳng hạn như nhóm 9 nước Bucharest (gồm 9 quốc gia là Romania, Ba Lan, Hungary, Bungaria, Cộng hòa Séc, Slovania, Estonia, Latvia và Litva).

Tất cả những nước này từng thuộc ảnh hưởng của Nga trong Chiến tranh Lạnh, song hiện nay đều là thành viên của Liên minh châu Âu và NATO.

Vậy tại sao Mỹ lại liên tiếp cảnh báo về nguy cơ Nga tấn công Ukraine và có động thái răn đe Moscow mạnh mẽ như vậy? Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến chính quyền Biden ngày càng quan tâm đến hồ sơ Ukraine.

Ngay từ khi lên nắm quyền, ông Biden đã nhận được rất nhiều lời phàn nàn từ phía Ukraine và các đồng minh của Mỹ cho rằng Washington đã dành quá ít sự quan tâm đối với cuộc khủng hoảng Ukraine. Dưới thời chính quyền Donald Trump, Ukraine dù nhận được tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ từ Washington, nhưng không có bất cứ sự gia tăng đáng kể nào về hỗ trợ quân sự.

Với quyết tâm thay đổi chính sách của người tiền nhiệm, Tổng thống Biden ngày càng chú trọng hơn vào vấn đề Ukraine, dù ông còn rất nhiều mối quan tâm khác như thách thức từ Trung Quốc, đại dịch Covid-19, cùng một loạt vấn đề nội bộ.

Hồi đầu tháng 12, Mỹ đã chuyển giao lô vũ khí sát thương, gồm súng đạn và tên lửa chống tăng Javenlin cho Ukraine. Đây là một phần trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 60 triệu USD được Tổng thống Biden phê duyệt vào ngày 1/9, nhân chuyến thăm của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đến Nhà Trắng.

Một nguyên nhân khác là tác động từ việc Mỹ rút quân ra khỏi Afghanistan. Sau hơn 2 thập kỷ tham chiến tại quốc gia Nam Á này, Mỹ được cho là bị sa lầy vào một cuộc chiến hao người tốn của và không mang lại thành công.

Thất bại trên chiến trường Afghanistan đã khiến chính quyền Mỹ cũng như một số đồng minh thấy rằng, họ cần phải có thành tựu nào đó về mặt ngoại giao, về mặt chiến lược. Và như vậy, vấn đề Ukraine cũng như căng thẳng Nga-Ukraine được xoáy sâu, trở thành một trong những ưu tiên ở thời điểm hiện tại.

Chuyên gia Nguyễn Đăng Phát đánh giá, Mỹ dù không phải là một thành viên trong Bộ Tứ Normandy (Pháp, Đức, Nga, Ukraine) – vốn có nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, nhưng lại đóng vai trò quan trọng đối với Ukraine, đồng thời là nước dẫn đầu trong NATO. Vì thế, việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng dàn xếp giữa Nga và Mỹ.

Khả năng nhượng bộ giữa các bên

Bất chấp các nỗ lực ngoại giao, những cuộc đối thoại hiện nay chưa dẫn đến kết quả cụ thể. Theo ông Nguyễn Đăng Phát, Ukraine có một vai trò tương đối yếu trong tiến trình đối thoại này.

Điều đó có nghĩa là những nước khác như Nga, Mỹ, Đức, Pháp sẽ có vai trò quyết định lớn hơn. Do đó, nhượng bộ hay không nhượng bộ không chỉ là vấn đề giữa Nga với Ukraine mà còn là vấn đề giữa Moscow với Mỹ và các nước phương Tây.

Ukraine cho biết, nước này có thể nhượng bộ Nga nhưng không phải là sự nhượng bộ lớn, và cũng không phải là nhượng bộ về mặt nguyên tắc hoặc chủ quyền của mình.

Ngoại trưởng Ukraine từng tuyên bố việc nước này thực hiện chính sách đối ngoại, chẳng hạn gia nhập NATO hay EU là điều Nga không thể cản trở được. Nhưng hai bên có thể đạt được thỏa thuận về trao đổi tù binh hay kinh tế.

Đối với Nga, để xoa dịu căng thẳng, cũng có một số khả năng nhượng bộ, chẳng hạn như rút quân khỏi biên giới, nhưng đổi lại, Nga cũng phải nhận được một số lợi ích nào đó. Từ trước đến nay Nga vẫn luôn muốn giảm lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine và nếu có sự nhượng bộ thì Moscow có thể vẫn giữ hoạt động trung chuyển ở mức mà Ukraine mong muốn.

Tuy vậy, Nga chắc chắn không bao giờ đưa vấn đề Crimea lên bàn đàm phán hoặc cho phép phương Tây vượt qua "lằn ranh đỏ" của mình.

Ông Nguyễn Đăng Phát nhận định trong thời gian tới tình hình giữa Nga và Ukraine bên sẽ leo thang căng thẳng hơn bởi Kiev đang được sự ủng hộ của rộng rãi Mỹ và các nước NATO, EU. Ukraine sẽ thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Nga về nhiều vấn đề. Hơn nữa, những thay đổi về chính trị ở Đức sẽ gây ra nhiều bất lợi đối với Nga.

Có những tiếng nói trong chính phủ mới của Đức cho rằng, không thể gạt bỏ Ukraine với vai trò là nước trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại