Ảnh: AI
Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) công bố báo cáo 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, VNR có doanh thu 6 tháng đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trung bình mỗi ngày VNR có doanh thu đạt hơn 24,7 tỷ đồng. Đây chính là mức doanh thu 6 tháng kỷ lục của VNR, thậm chí cao hơn cả doanh thu của giai đoạn từ năm 2019 – 2021. Đặc biệt, riêng công ty mẹ có doanh thu đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Ban lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sản lượng vận tải hành khách trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ tính riêng đợt Tết Nguyên đán, VNR đã bán được hơn 650 nghìn vé tàu, có doanh thu đạt 400,7 tỷ đồng, cao hơn 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong năm nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu 6.258 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả 6 tháng đầu năm qua, VNR đã hoàn thành được gần 72% kế hoạch. Năm 2023, VNR thoát lỗ sau 3 năm, nhờ có khoản lãi 77 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đưa vào khai thác các đôi tàu có tính chuyên biệt, mang dấu ấn văn hóa vùng miền, chẳng hạn như tài "kết nối di sản" tuyến đường sắt Huế - Đà Nẵng, đoàn tàu "hành trình tàu đêm Đà Lạt" hoặc các đoàn tàu thuê bao nguyên đoàn (charter) với hành trình, các dịch vụ theo yêu cầu của bên đặt hàng.
Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn cải tạo, nâng cấp, đưa vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế ở Cao Xá; khai thác thêm những sản phẩm vận tải liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; vận chuyển hàng quá cảnh qua Trung Quốc đến Nga, châu Âu, Mông Cổ và Trung Á.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ghi nhận hai sự cố lớn
Trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù ghi nhận mức doanh thu kỷ lục nhưng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lại gặp hai sự cố lớn, bao gồm sụt lở đất đá trên đỉnh hầm Bãi Gió và hầm Chí Thạnh, làm ách tắc tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM.
Khi sự cố xảy ra, các công ty vận tải đã kịp thời tiến hành tổ chức chuyển tải hành khách qua khu vực bị sự cố đảm bảo an toàn, cung cấp suất ăn và nước uống miễn phí trong quá trình chuyển tải. Ngoài ra, việc đổi và trả vé đối với hành khách không muốn chuyển tải được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng và không thu phí phát sinh.
Tuy nhiên, theo Chánh văn phòng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, do ảnh hưởng từ hai sự cố này đã dẫn tới chi phí phát sinh để khắc phục, thiệt hại gián tiếp là hơn 106 tỷ đồng.
Về kế hoạch sắp tới, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Đường sắt Việt Nam đã triển khai việc thực hiện cơ cấu lại bộ máy. Cụ thể, đơn vị đã xây dựng xong phương án hợp nhất hai Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn thành một Công ty vận tải đường sắt. Việc sáp nhập này đã được thông qua tại Đại hội cổ đông của hai công ty. HĐQT của hai công ty cũng đã có quyết định thông qua nội dung và ký kết hợp đồng hợp nhất. Hiện nay, hai công ty này đang triển khai các thủ tục để tiến tới hợp nhất.
Trên thực tế, trong hệ sinh thái của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là hai thành viên có quy mô lớn nhất. Năm 2023, tình hình tài chính của hai đơn vị này có nhiều dấu hiệu khởi sắc, với mức lãi lần lượt là 14 tỷ và 11 tỷ đồng. Trong quý I/2024, cả hai công ty đều kinh doanh thuận lợi và báo lãi gấp 3 lần so với kế hoạch của năm, vì nhu cầu đi lại tăng cao.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có 25 công ty con, 17 đơn vị trực thuộc và 8 doanh nghiệp liên doanh, liên kết. Tổng công ty được Nhà nước giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, với tổng chiều dài 3.143 km, bao gồm 15 tuyến đi qua 34 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, ông Hoàng Gia Khánh cho biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành triển khai Đề án cơ cấu lại theo Quyết định số 562 của Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành phương án sáp nhập hai công ty trên theo tiến độ đề ra.
Đồng thời, VNR còn chỉ đạo các công ty vận tải tập trung những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt lưu ý về những giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại mà khách hàng phản ánh, chẳng hạn như chất lượng vệ sinh toa xe, trang thiết bị phục vụ hành khách với các tàu lập thêm… Về phía tổng công ty, VNR chuẩn bị xây dựng về biểu đồ chạy tàu, kế hoạch chạy tàu Tết Nguyên đán 2025...