Sáng nay (4/7), tại Hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, tính đến 17h ngày 3/7, đã có 16,6 triệu khách hàng đối chiếu thông tin sinh trắc học. Trong đó, 90% làm xác thực online và 10% khách hàng thực hiện tại quầy ngân hàng.
Đặc biệt, tính riêng trong ngày 3/7, hệ thống ngân hàng đã ghi nhận có 23 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng và không phát sinh vướng mắc nào. Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, mỗi giao dịch chỉ tốn thêm 3 giây để thực hiện, tuy nhiên đảm bảo xác thực đúng khách hàng thực hiện giao dịch.
Vì sao có trường hợp dùng ảnh tĩnh xác thực khuôn mặt để giao dịch?
Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo NHNN cho biết, trong ngày đầu áp dụng Quyết định 2345 (1/7), một số ngân hàng đã phát sinh lượng giao dịch quá lớn, do đó đã tắt tính năng này nhằm giúp giao dịch diễn ra thông suốt.
Tuy nhiên, đại diện NHNN nói rõ thêm rằng, việc quá tải ở đây là về lượng yêu cầu gửi về hệ thống ngân hàng. Do đó, khi bật chức năng này lên, lỗ hổng xác thực bằng ảnh tĩnh không còn.
Phó thống đốc NHNN nhấn mạnh: "Quan điểm của tôi trong những ngày đầy là ưu tiên giao dịch thông suốt. Khi những ngân hàng áp dụng giải pháp mới để tăng bảo mật thì không có nghĩa là loại bỏ những tính năng bảo mật trước đó".
Lãnh đạo NHNN cho biết, trong thời gian tới sẽ yêu cầu các ngân hàng tiến hành làm chặt chẽ công nghệ EKYC về chống giả mạo, ảnh tĩnh, deepfake... nhằm đảm bảo giao dịch an toàn.
Phó thống NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, một trong những yêu cầu của Quyết định 2345 là xác thực sinh trắc học. Việc này là cần thiết, vì có thêm một lớp bảo vệ nên sẽ an toàn hơn. Do đó, trong trường hợp khách hàng mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền thì cũng khó thực hiện, bởi vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ hay không.
"Bản chất của Quyết định 2345 chính là làm sạch tài khoản và loại bỏ tài khoản của những người không chính chủ…", Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, vào tháng 4/2023, NHNN và Bộ Công an đã tiến hành ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, trong đó có nội dung làm sạch dữ liệu khách hàng. Đặc biệt, Quyết định 2345 của NHNN được ký vào tháng 12/2023 là sự kết nối trong các giải pháp nhằm bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.
"Như vậy, giữa NHNN và Bộ Công an đã có sự chuẩn bị từ trước và có thời gian khá dài để triển khai"- Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Đại diện NHNN cho biết, thực hiện Quyết định 2345 là một chiến dịch lớn, đem lại tiện ích cho người dân. "Nếu có ai đó nói rằng vì sao NHNN không thực hiện sớm hơn cách đây 3 năm thì có thể nói chúng tôi có muốn triển khai sớm cũng không được, vì còn phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết.
Bộ Công an đề nghị NH trao đổi ngay nếu phát hiện rủi ro
Tại Hội thảo, Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, đã đánh giá cao về việc NHNN ban hành quyết định 2345. Theo đó, Quyết định này không chỉ giúp bảo vệ an toàn hơn cho những giao dịch thanh toán của khách hàng mà còn góp phần nâng cao hơn nữa về hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ở trên không gian mạng.
Thế nhưng, Trung tá Triệu Mạnh Tùng lưu ý rằng, các đối tượng tội phạm đã có dấu hiệu thay đổi về phương thức hoạt động nhằm đối phó với quy định mới về xác thực sinh trắc học. Chính vì vậy, khi Quyết định 2345 đi vào thực tiễn, vẫn cần tiếp tục tiến hành rà soát, đồng thời có những biện pháp ứng phó. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần phát triển phân tích dữ liệu lớn về việc sử dụng tài khoản của các khách hàng, từ đó nhận biết về dấu hiệu lừa đảo và kịp thời đưa ra cảnh báo.
Mặt khác, đại diện Bộ Công an đề nghị, trong quá trình hoạt động, nếu có xảy ra rủi ro, các ngân hàng cần sớm trao đổi với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh cũng như bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng.