"Mổ ruột" vũ khí: Nga-Mỹ đã tìm cách đối đầu và khắc chế nhau như thế nào?

Quốc Vinh |

Nếu bạn sử dụng vũ khí của mình trong chiến đấu, kẻ thù của bạn sẽ có cơ hội chạm tay vào chúng. Hoặc ít nhất là có một cơ hội quan sát đủ kỹ để đưa ra các biện pháp đối phó sau này.

Theo National Interest, cả hai siêu cường đều sử dụng các cuộc xung đột trực tiếp hoặc gián tiếp để khám phá bí mật vũ khí của nhau. Điều này đã diễn ra từ nhiều năm trước và vẫn tiếp tục cho đến hiện tại.

Năm ngoái, Nga tuyên bố đã thu được tên lửa Tomahawk của Mỹ trong vụ tấn công Syria và sẽ tìm ra bí mật khắc chế loại vũ khí này.

Ngay sau đó, Sputnik News của Nga đã xuất bản một bài viết về nhiều loại vũ khí khác nhau của Mỹ đã được Nga hoặc các đối tác thu thập được và chuyển sang Moscow để phân tích.

Chiến lợi phẩm đầu tiên đến từ Chiến tranh Triều Tiên, nơi Liên Xô đã chạm tay vào một chiếc xe tăng M46 Patton. "Các kỹ sư còn nắm trong tay một số hệ thống vũ khí khác, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-51D Mustang đời cổ", Sputnik lưu ý.

"Vào tháng 9/1958, một chiếc MiG-17 của Trung Quốc đã làm tê liệt một chiếc F-86 Sabre của Đài Loan. Mẫu máy bay này đã được chuyển cho Moscow. Chiếc Sabre sau đó đã giúp các nhà thiết kế Liên Xô rất nhiều trong việc phát triển tên lửa không đối không tầm ngắn hồng ngoại K-13, được sử dụng trong nhiều thập kỷ sau đó", Sputnik nhấn mạnh.

Các cuộc chiến ở Đông Nam Á năm xưa cũng là nơi kho tàng thiết bị của Mỹ được phô diễn, bao gồm máy bay chiến đấu F-5E được sử dụng rộng rãi trong các lần đối đầu MiG-21bis và MiG-23 của Liên Xô.

Chính từ những lần va chạm này mà Liên Xô sau đó đã phát hiện ra những thiếu sót trên máy bay của mình để phát triển thêm các biến thể tiên tiến hơn như MiG-23MLD và MiG-29.

Sputnik cũng cho biết, các tên lửa phòng không Stinger được thu giữ bởi các đội đặc công Liên Xô cũng đã giúp nước này tìm ra các biện pháp vô hiệu hóa vũ khí của người Mỹ.

Trong Chiến tranh Nga-Georgia năm 2008, Moscow đã thu giữ năm chiếc Humvee, đi kèm với hệ thống điện tử tiên tiến và các thiết bị liên lạc mã hóa. Nga đã từ chối trả lại mặc dù được Lầu Năm Góc yêu cầu nhiều lần.

Tuy nhiên, lợi thế không chỉ dành cho mỗi Nga. Trên thực tế, Mỹ và các đồng minh đã chiếm được rất nhiều vũ khí của Nga trong quá khứ. Trong năm 1951, một nhóm quân Mỹ-Anh đã tìm cách khôi phục lại một máy bay chiến đấu MiG-15 bị rơi.

Mổ ruột vũ khí: Nga-Mỹ đã tìm cách đối đầu và khắc chế nhau như thế nào? - Ảnh 1.

Theo National Interest, Mỹ cũng từng khám phá chiếc MiG-25 Foxbat của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và để nói về quốc gia cung cấp vũ khí Nga nhiều nhất cho Mỹ, không thể thiếu vắng Israel.

Phương Tây đã mục sở thị mẫu máy bay chiến đấu MiG-21 lần đầu tiên khi Mossad thuyết phục một phi công Iraq lái máy bay của mình tới Israel. Trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, khi máy bay Mỹ bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không SA-2, Israel đã thu giữ các hệ thống SA-2 để các chuyên gia Mỹ kiểm tra và sau đó chế tạo các thiết bị gây nhiễu tốt hơn.

Các nỗ lực khai thác bí mật vũ khí này ​​sẽ giúp lấp đầy nhiều khoảng trống về tình báo cũng như trong việc nghiên cứu, phát triển vũ khí của cả Nga và Mỹ.

Các thiết bị khác được phía Mỹ thu giữ trong cuộc chiến Ả Rập-Israel còn bao gồm xe tăng T-62 và T-72, xe chiến đấu bộ binh BMP và tên lửa chống tăng Sagger.

Cả hai bên cũng vừa mất mát vừa được hưởng lợi khi các đồng minh liên tục đổi phe. Khi đó, các quốc gia này thường cho những người bảo trợ mới của mình kiểm tra các loại vũ khí được cung cấp bởi những người ủng hộ cũ.

Iran đã cho Liên Xô cơ hội kiểm tra các máy bay chiến đấu F-14 của lực lượng không quân nước này, trong khi Mỹ cũng không thể bỏ lỡ việc chạm vào các thiết bị quân sự của Liên Xô trong kho vũ khí Đông Âu sau năm 1989.

Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố có thể làm tạo nên đòn bẩy chiến thắng cho một bên nào đó.

Nguyên tắc cơ bản của chiến tranh là như sau: Nếu bạn sử dụng vũ khí của mình trong chiến đấu, kẻ thù của bạn sẽ có cơ hội chạm tay vào chúng. Hoặc ít nhất là có một cơ hội quan sát đủ kỹ để đưa ra các biện pháp đối phó sau này.

Và đó là lý do tại sao vũ khí bí mật vốn không bao giờ giữ được bí mật quá lâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại