Thông tin này được Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại Nga Denis Manturov chia sẻ bên lề triển lãm vũ khí quốc tế lần thứ 13 IDEX 2017 tại Abu-Dhabi (UAE). Công tác nghiên cứu chế tạo chiếc tiêm kích cơ mới nói trên sẽ là dự án kỹ thuật-quân sự lớn thứ hai được ký kết giữa các bên.
Cứu sống tổ hợp pháo-tên lửa phòng không "Pantsir"
Trước đó, sự hợp tác với UAE gần như đã cứu sống tổ hợp pháo-tên lửa phòng không "Pantsir", vốn từng bị coi là loại vũ khí kém hiệu quả của Nga.
Ngay lần đầu tiên tổ hợp này được trình làng tại triển lãm hàng không quốc tế MAX-1995 diễn ra tại thành phố Zukovsky (ngoại ô Moscow) nó đã được các đại diện của UAE quan tâm. Tuy nhiên, hóa ra "Pantsir" chưa thực sự sẵn sàng.
Có ý tưởng, nhưng không có cơ hội để hiện thực hóa nó. Bộ Quốc phòng Nga đã từ chối dự án vì những vấn đề liên quan tới tài chính. Và cuối cùng UAE đã nhận lấy trách nhiệm này về phần mình khi quyết định đặt mua gần 50 tổ hợp.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1.
Chính bản hợp đồng này đã giúp cho những kỹ sư Nga thực hiện nâng cấp tổ hợp pháo phòng không – đưa các tính năng hoạt động của nó tới mức độ để có thể bàn giao "Pantsir" cho Quân đội Nga.
Hiện nay, "Pantsir-S2" là lực lượng chủ lực trong hệ thống phòng không tầm ngắn của Nga. Trong năm tới, sẽ bắt đầu triển khai phiên bản tàu chiến của hệ thống này. Nó sẽ được trang bị trên các tàu tên lửa hạng nhỏ thuộc đề án 22800 ("Karakurt").
"MiG" đối đầu "Su"?
Câu chuyện của máy bay tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 5 dành cho lực lượng Không quân - Vũ trụ (VKS) Nga cũng giống như con đường của tổ hợp pháo-tên lửa phòng không "Pantsir".
Ban lãnh đạo tập đoàn "MiG", cái nôi truyền thống của những máy bay chiến đấu hạng nhẹ, chỉ mới đây thôi từng nói rằng, Bộ Quốc phòng Nga không có nhu cầu đối với loại máy bay này.
Trong khuôn khổ chương trình tái trang bị vũ khí VKS chỉ tập trung vào các thiết bị quân sự hiện có: Các tiêm kích Su-30 và Su-35, cũng như tiêm kích hạng nặng thế hệ thứ 5 tối tân nhất - Pak-FA T-50. Những máy bay MiG chỉ được đặt hàng để tái trang bị cho đội bay trên chiếc tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov".
Các loại máy bay chiến đấu hiện đại của Nga.
Điều thú vị đó là tất cả các cỗ máy này, cách này hay cách khác, đều được chế tạo có sự tham gia của một số nước.
Su-30 và MiG-29UKB phiên bản tàu sân bay – theo đơn đặt hàng của Ấn Độ. Su-35 được hoàn thiện bằng tiền của Trung Quốc. Bắc Kinh mua 24 chiếc, giúp cho Tập đoàn Sukhoi "đánh bóng" các máy bay tiêm kích dành cho VKS Nga tới mức hoàn hảo.
Số phận tương tự cũng đang chờ cả T-50. Cỗ máy này dù được chế tạo bằng tiền của Nga, nhưng lời mời phía Ấn Độ tham gia vào dự án này giúp cho nó đỡ tốn chi phí hơn. Vai trò của New Dehli, như các kỹ sư chế tạo Nga nói, không chỉ dừng lại ở vấn đề tài chính (người Ấn Độ đã đầu tư vào dự án này 25 tỷ USD).
Hiện giờ, Ấn Độ đang đề nghị sử dụng các vật liệu composite và hệ thống điện tử của mình.
Hợp tác với UAE cũng sẽ trở thành động lực phát triển chương trình chế tạo tiêm kích hạng nhẹ thế hệ thứ 5. "Sự trì trệ" của giới quân sự Nga đối với máy bay tiêm kích có thể hiểu được. Chương trình quốc gia về tái trang bị vũ khí đến năm 2020 của Nga với tổng ngân sách 23 nghìn tỷ rúp đang bị cắt giảm.
Các loại vũ khí và khí tài chủ lực không chỉ được chế tạo, đặt hàng, mà còn bàn giao hàng loạt cho quân đội. Tổng thống Vladimir Putin đã lên tiếng cảnh báo các doanh nghiệp quốc phòng Nga rằng sắp tới sẽ không còn nhiều những đơn đặt hàng tương tự. Đất nước đang thắt lưng buộc bụng.
Tư lệnh VKS Nga, Đại tướng Victor Bondarev nói rằng, trong năm 2016 lực lượng này đã tiếp nhận 139 thiết bị bay mới. Tất cả các đơn vị không quân được trang bị đầy đủ khí tài cần thiết, tỷ lệ các máy bay và trực thăng chiếm tới gần 55%.
Việc tham gia vào dự án chế tạo máy bay tiêm kích hạng nhẹ thế hệ thứ 5, UAE sẽ thay đổi tình hình tận gốc rễ khi cung cấp tiền còn Nga trong trường hợp này sẽ đưa ra các ý tưởng.
Người đứng đầu Tập đoàn chế tạo hàng không thống nhất (OAK) - ông Yury Slyusar nói rằng OAK sẽ tham gia vào dự án tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 5 với vai trò cơ quan đầu não, cũng như công ty Sukhoi cùng với những công việc đã thực hiện liên quan tới T-50, công ty "MiG" sẽ đóng góp những việc mình đã làm liên quan tới các máy bay một động cơ.
"Công tác phối hợp nghiên cứu chế tạo tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 5 với UAE đang ở giai đoạn đầu. Chúng tôi hiện giờ đang chuẩn bị đưa ra các đề nghị cho phía UAE. Chúng tôi cho rằng nó sẽ là cỗ máy thành công. Chúng tôi sẵn sàng giới thiệu cho các đồng nghiệp của mình những nghiên cứu thiết kế", ông Slyusar nói.
Nói chung, từ những điều nêu trên có thể phỏng đoán, đó sẽ là cỗ máy như thế nào. Lấy ví dụ, sự tham gia của "Sukhoi" nói tới tính chất thiết kế phần thân của chiếc máy bay tương lai. T-50 lần đầu tiên trong lịch sử lĩnh vực chế tạo hàng không Nga được thực hiện theo sơ đồ liền khối.
Đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến nó trở thành tiêm kích thế hệ thứ 5. Tất cả các cỗ máy thế hệ "4++" trước đây như Su-30 hoặc Su-35 đều có phần thân vỏ được chế tạo tách biệt với hai cánh và cánh lái đuôi. Đối với T-50 thì tất cả những thành phần này được kết nối với nhau thành một khối.
Tiêm kích Pak-FA T-50.
Bản vẽ thiết kế mô phỏng chiếc máy bay cường kích tương lai đa năng hạng nhẹ do MiG nghiên cứu chế tạo mà được tòa soạn tờ Air&Cosmos công bố mới đây đã chứng tỏ điều nói trên. Chiếc máy bay được thiết kế theo hình "con vịt" và nếu có 2 động cơ thì nó giống như bản sao chép của T-50.
Ông Slyusar cho biết rằng cần phải xác định ý tưởng của chiếc máy bay mới: "Chúng tôi hiện vẫn chưa xác định ý tưởng của chiếc máy bay tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 5. Vẫn chưa lựa chọn 1 hay 2 động cơ cho nó. Nhưng thỏa thuận mới ký kết cho phép chúng tôi bắt đầu công việc này", người đứng đầu OAK bổ sung.
Tiếp đến, chúng ta tha hồ mà tưởng tượng. Buổi trình làng chiếc tiêm kích mới nhất MiG-35 của công ty "MiG" được tổ chức cách đây không lâu cho thấy tầm nhìn ý tưởng của công ty về khả năng bên trong của chiếc tiêm kích tương lai.
Tổng giám đốc MiG, ông Sergei Korotkov chia sẻ với kênh truyền hình "Zvezda" rằng, trong quá trình chế tạo, tiêm kích tàu sân bay MiG-29K được thiết kế như một nền tảng mới với tiềm năng lớn để tăng khả năng chiến đấu trong một thời gian dài nữa trên cơ sở ứng dụng các công nghệ dành cho những máy bay thế hệ thứ 5.
Bởi vậy, ngoại hình của MiG-29 cổ điển và MiG-35 hoàn toàn mới lại giống nhau như 2 giọt nước, nhưng có những thay đổi lớn trong thiết kế thân vỏ, thiết bị điện tử cũng như các vật liệu sử dụng để chế tạo MiG-35.
Lấy ví dụ, MiG-35 được tăng cường phần thân bằng việc sử dụng các vật liệu composite, hệ thống càng đáp được gia cố chắc chắn hơn để chiếc máy bay có thể cất và hạ cánh ở những sân bay có độ vênh nhau giữa các tấm trải đường băng là 10cm, động cơ RD-33MK hoàn toàn mới do công ty "Klimov" (Saint Peterburg, Nga) chế tạo.
So với động cơ cổ điển RD-33, động cơ mới có lực đẩy mạnh hơn 12% và nó được trang bị hệ thống điều khiển kỹ thuật số hiện đại FADEC.
Tiêm kích MiG-35.
Trong tương lai, những động cơ này có thể được trang bị hệ thống điều khiển vecto lực đẩy đa chiều mà nhờ đó chiếc máy bay có thể linh hoạt hơn những đối thủ cạnh tranh và dễ điều khiển hơn trong mọi chế độ hoạt động – một trong những yêu cầu chính đối với các máu bay tiêm kích thế hệ 5.
Cuối cùng, hiện nay MiG-35 có thể đang được trang bị radar với ăng ten lưới mảng pha chủ động (AFAR) "Zhuk-A".
Và ở đây, có một nhiệm vụ thứ hai, MiG-35, cũng giống như Su-35 – là những bước đệm trước khi các tiêm kích thế hệ thứ 5 xuất hiện trong quân đội. Trên cả 2 chiếc máy bay đều trang bị những thiết bị, động cơ và hệ thống điều khiển vũ khí của các máy bay tương lai, giúp cho các phi công Nga ngay bây giờ có thể cảm nhận hay còn gọi là "nếm thử" nó.
Bởi vậy, cũng dể hiểu tại sao người đứng đầu OAK Yury Slyusar lại tin chắc rằng chiếc tiêm kích hạng nhẹ mới sẽ đạt được thành công.