MiG-29 cổ lỗ có thể bắn hạ được B-1B Mỹ: Triều Tiên có tuyệt chiêu?

Linh Lâm |

Theo nhà phân tích Dave Majumdar, Triều Tiên có thể sẽ dùng tới tiêm kích MiG-29 để "hiện thực hóa" lời đe dọa bắn hạ máy bay ném bom Mỹ.

Trong bối cảnh chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên ngày càng có nguy cơ bùng phát, câu hỏi được đặt ra là liệu Bình Nhưỡng có "nói được làm được" khi đe dọa bắn hạ máy bay ném bom Mỹ hoạt động gần Triều Tiên hay không?

MiG-29 cổ lỗ có thể bắn hạ được B-1B Mỹ: Triều Tiên có tuyệt chiêu? - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ clip tấn công giả định của Triều Tiên. Nguồn: Aviationist

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Dave Majumdar cho rằng, nếu Bình Nhưỡng định thực hiện ý định đó thật thì lựa chọn tối ưu nhất đối với họ có lẽ là các hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm xa như KN-06. Tuy nhiên, vẫn còn một khả năng khác là Triều Tiên sẽ cố tận dụng phi đoàn tiêm kích Mikoyan MiG-29 Fulcrum của mình.

MiG-29 là máy bay chiến đấu "hiện đại" và đáng gờm nhất của Triều Tiên nhưng số lượng không nhiều. Một số nguồn tin cho biết Bình Nhưỡng có khoảng 30 chiếc MiG-29 trong trang bị.

Mặc dù là một trong những chiến đấu cơ mạnh nhất của Liên Xô trước khi khối này sụp đổ nhưng MiG-29 vẫn còn xa mới trở thành mẫu máy bay lý tưởng.

MiG-29 mạnh mẽ và đặc biệt linh hoạt nhưng gót chân Achilles của nó là bán kính tác chiến rất ngắn (400-720km), và radar có nhiều hạn chế. Hệ thống điện tử hàng không của phiên bản xuất khẩu thậm chí còn kém tinh vi hơn so với phiên bản được thiết kế dành riêng cho Không quân Liên Xô.

MiG-29 cổ lỗ có thể bắn hạ được B-1B Mỹ: Triều Tiên có tuyệt chiêu? - Ảnh 2.

MiG-29 là loại tiêm kích hiện đại nhất Triều Tiên hiện nay. Ảnh: Sina

Vấn đề cơ bản đối với Liên Xô trong những năm 1970 - khi MiG-29 được phát triển - là ngành công nghiệp điện tử của họ khi ấy không chế tạo được một loại radar đủ nhỏ để lắp vừa trên khung thân của MiG-29 và mang lại hiệu quả mà họ mong muốn.

Vì thế, mặc dù có ý định trang bị cho MiG-29 radar mảng hai chiều, tương tự như loại radar trên tiêm kích F-16, F/A-18 của Mỹ nhưng rút cuộc, Moscow đã phải tái sử dụng một phiên bản của mẫu radar cũ trên MiG-23ML.

Điều này khiến radar NO19E pulse-Doppler trên MiG-29 có nhiều hạn chế. Mọi chuyện càng trở nên tệ hơn khi Adolf Tolkachev - một kỹ sư điện tử Liên Xô - tiết lộ thiết kế của mẫu máy bay này cho Mỹ.

Phiên bản radar NO19EB xuất khẩu sang những nước không thuộc khối Warsaw thua kém hơn hẳn so với radar trên phiên bản MiG-29 dành cho Không quân Liên Xô. Nó có phạm vi tìm kiếm ngắn và khiến phi công rất hạn chế trong khả năng nhận thức tình hình xung quanh.

Tuy nhiên, MiG-29 được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại ОEPrNK-29E, giúp tăng cường khả năng cảm ứng.

Ngoài ra, giống như hầu hết các máy bay khác của Liên Xô, MiG-29 được thiết kế để kết nối với các chuyên viên kiểm soát dưới mặt đất khi hoạt động. Phi công chủ yếu lái máy bay tới vị trí được chỉ dẫn từ các kíp vận hành radar dưới mặt đất nên việc thiếu khả năng cảm ứng trên máy bay không gây phương hại lớn.

Cũng cần phải thừa nhận, MiG-29 tác chiến hiệu quả ở tầm gần, với các cuộc không chiến trong tầm nhìn. MiG-29 được trang bị hệ thống hiển thị trên mũ bay phi công Shchel-3UM-1 và tên lửa R-73 Archer, khiến nó trở thành một đối thủ đáng gờm trong cận chiến.

Khả năng linh hoạt, kết hợp với tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng rất cao cho phép MiG-29 (do các phi công Đức điều khiển) đánh bại các tiêm kích F-15, F-16 và F/A-18 trong các đợt tập huấn những năm 1990.

Tuy nhiên, đó là trước thời kỳ của tên lửa Raytheon AIM-9X Sidewinder và hệ thống dò mục tiêu kết hợp trên mũ bay.

MiG-29 cổ lỗ có thể bắn hạ được B-1B Mỹ: Triều Tiên có tuyệt chiêu? - Ảnh 3.

MiG-29SE 9.13S của Không quân Triều Tiên áp sát chiếc RC-135S ngày 2/3/2003. Ảnh do sĩ quan điện tử chụp từ chiếc RC-135S. Nguồn: USAF Photo

Ngày nay, những chiếc MiG-29 do NATO vận hành đã không thể đạt được tỷ lệ tiêu diệt như trước kia nữa. Song, chúng vẫn có khả năng giành chiến thắng ở cự ly gần nếu có chút may mắn và được điều khiển bởi phi công lão luyện.

Nói tới khía cạnh này thì các phi công Triều Tiên chưa thể đạt tới trình độ như phi công NATO, bởi họ có quá ít giờ bay mỗi năm. Thế nhưng, đôi khi, may mắn lại tạo ra sự khác biệt rất lớn.

Triều Tiên vẫn có cơ hội thành công nhưng họ cũng cần lưu ý rằng, nếu MiG-29 tiếp cận máy bay ném bom hoặc máy bay trinh sát Mỹ ở cự ly gần như trước đây và có hành động khiêu khích thì nó vẫn sẽ gặp nguy hiểm.

Mặc dù máy bay đã xuống cấp, phi công lại không được huấn luyện đầy đủ nhưng năng lực của Không quân Triều Tiên không nên bị phủ nhận hoàn toàn, bởi ngay cả một chiếc đồng hồ "chết" vẫn có thể chỉ đúng giờ tới 2 lần một ngày.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar

Triều Tiên tung video tên lửa bắn nổ tung tàu sân bay và chiến cơ Mỹ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại