Bị tẩy chay, Qatar gây sốc mạnh với 3 hợp đồng vũ khí khủng: Sự thông thái của "tay chơi"?

Vy Lam |

Việc bổ sung thêm 84 máy bay chiến đấu các loại khiến tổng số chiến đấu cơ của Qatar tăng lên tới... 7 lần.

Sự gia tăng chưa từng thấy

Trong bài viết trên tạp chí National Interest ngày 29/9, nhà phân tích Zachary Keck cho biết, quốc gia vùng vịnh nhỏ bé Qatar đã tiến hành chương trình xây dựng lực lượng không quân quy mô lớn, song mục đích của họ lại không hề rõ ràng.

Mới đây nhất, vào tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon và Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid bin Mohammed al Attiyah đã ký kết một Ý định thư, cho phép Doha mua 24 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon từ London.

Động thái này diễn ra sau khi Qatar tuyên bố thỏa thuận mua 36 tiêm kích F-15 Eagle tiên tiến từ Mỹ với tổng giá trị lên tới 12 tỷ USD.

Trước đó, vào năm 2015, Qatar đã ký kết thỏa thuận 7,5 tỷ USD với Pháp để mua 24 máy bay chiến đấu Dassault Rafale, các tên lửa MBDA. Thỏa thuận này cũng bao gồm chi phí đào tạo phi công và nhân viên hỗ trợ.

Bị tẩy chay, Qatar gây sốc mạnh với 3 hợp đồng vũ khí khủng: Sự thông thái của tay chơi? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-15 Eagle. Ảnh: Boeing

Điều khiến các thỏa thuận trên đặc biệt gây sốc là mức độ gia tăng chóng mặt từ những gì mà Không quân Qatar hiện đang triển khai. Mặc dù cho Mỹ đặt một căn cứ không quân lớn trên lãnh thổ của mình nhưng sức mạnh không quân của Qatar lại chỉ phụ thuộc vào 12 máy bay chiến đấu Dassault Mirage 2000-5 đã già nua.

Vì vậy, việc bổ sung thêm 84 máy bay chiến đấu các loại khiến tổng số chiến đấu cơ của Qatar tăng lên tới... 7 lần.

Trên tờ Aviation Week, chuyên gia Tony Osborne bình luận: "Gần như chưa từng có sự gia tăng nào về số lượng và chất lượng không quân đến mức như vậy trong những năm gần đây, các nhà sử học có lẽ phải quay trở lại thời kỳ Thế chiến I và II bùng nổ mới có thể thấy được tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy".

Cũng đề cập tới động thái trên của Qatar, tạp chí quốc phòng IHS Jane's cho rằng: "Số lượng không phải là khía cạnh duy nhất gây chú ý, quyết định chuyển đổi từ 1 loại máy bay sang tới 3 loại máy bay khác mới là điều gây tò mò".

Nói về khả năng của 3 mẫu máy bay trên, tạp chí Jane's cho biết:

- So với các phiên bản trước, phiên bản F-15 của Qatar có thêm 2 giá treo vũ khí dưới cánh (nâng tổng số giá treo từ 9 lên 11 giá), buồng lái hiển thị rộng rãi, hệ thống điều khiển fly-by-wire.

Ngoài ra còn có radar quét mảng pha điện tử chủ động Raytheon AN/APG-82(V)1 hoặc AN/APG-63(V)3, động cơ General Electric GE F-110-129, hệ thống dò mục tiêu trên mũ bay, hệ thống tác chiến điện tử kỹ thuật số...

Mẫu máy bay này có thể được trang bị để đảm nhận vai trò ném bom hoặc chiếm ưu thế trên không. Đối với nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, F-15 Eagle có thể mang "16 tên lửa không-đối-không tiên tiến tầm trung (AMRAAM) AIM-120, 4 tên lửa tầm ngắn AIM-9X Sidewinder và 2 tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM)".

Ở cấu hình ném bom, máy bay sẽ mang tên lửa AMRAAM, HARM cùng 16 bom đường kính nhỏ (SDB), bom thông minh JDAM, cùng một số loại vũ khí khác.

Tiêm kích Eurofighter Typhoon bay trình diễn

- Eurofighter Typhoon là máy bay chiến đấu 2 động cơ do liên doanh các công ty châu Âu sản xuất, bao gồm hãng Leonardo (Ý), Airbus (Pháp) và BAE Systems (Anh).

Theo chuyên gia phân tích Robert Farley từng đề cập trong một bài viết trên tạp chí National Interest, Typhoon có thể xem là máy bay chiến đấu thế hệ 4+, có các khả năng vượt xa tiêm kích thế hệ 4 dù không có khả năng tàng hình như tiêm kích thế hệ 5.

Nó có tốc độ tối đa Mach 2, trần bay cao, tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng tuyệt vời và khả năng 'siêu hành trình'.

Khả năng cơ động cao giúp Typhoon trở thành một mẫu máy bay không chiến tuyệt vời. Nó còn có khả năng tác chiến bên ngoài tầm nhìn và mang theo các tên lửa AIM-120.

Các máy bay Typhoon của Qatar dự kiến sẽ được trang bị thêm tên lửa chống tàu Marte ER.

Bị tẩy chay, Qatar gây sốc mạnh với 3 hợp đồng vũ khí khủng: Sự thông thái của tay chơi? - Ảnh 3.

Chiến đấu cơ Rafale. Ảnh: Aviation Geek Club

- Rafale là một loại chiến đấu cơ đa nhiệm khác, được phát triển từ những năm 1980 khi Pháp muốn thay thế một số mẫu máy bay. Rafale có kích cỡ nhỏ hơn Typhoon những cũng có nhiều tính năng của máy bay chiến đấu thế hệ 4+.

12 giá treo dưới cánh của Rafale có thể mang tên lửa không-đối-không, không-đối-đất, cảm biến và thùng dầu phụ.

Mặc dù tính đến thời điểm này Rafale đã là thiết kế 30 năm tuổi nhưng các gói nâng cấp (bao gồm radar quét mảng pha điện tử chủ động RBE2 AA, pod chỉ thị mục tiêu Damocles, tên lửa không-đối-không Meteor và tên lửa hành trình SCALP) đã giúp nó duy trình tính cạnh tranh với các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 4+ khác.

Rafale không có doanh thu quốc tế mạnh như Typhoon. Trong khi các máy bay Typhoon được sử dụng rộng rãi ở Đức, Tây Ban Nha, Italy, Australia, Saudi Arabia, Oman và Kuwait thì Rafale mới chỉ được Pháp trang bị. Mãi tới gần đây, tình hình mới thay đổi sau thỏa thuận đầu tiên với Qatar. Tiếp đó là các thỏa thuận với Ai Cập và Ấn Độ.

Đắt đỏ nhưng đáng giá

Theo ông Keck, hiện không rõ Qatar đã hình dung ra những nhiệm vụ gì mà họ có thể giao phó cho lực lượng máy bay "khủng" này.

Trong những năm gần đây, Doha tỏ ra rất sẵn lòng tham gia các liên minh quân sự trong khu vực như liên minh chống IS.

Tuy nhiên, chỉ mình điều này cũng không thể lý giải được tại sao họ lại mua nhiều loại máy bay đến như vậy, bởi việc tích hợp chúng vào một lực lượng không quân vốn có quy mô nhỏ như Qatar là điều vô cùng khó.

Đã có nhiều đồn đoán cho rằng Qatar sẽ phải thuê nhân viên nước ngoài để vận hành các máy bay mới.

Ngoài ra, theo suy đoán của chuyên gia Tony Osborne, có lẽ mức độ tác động của nhân tố chính trị đối với quyết định này chí ít cũng nhiều như mức độ tác động của các suy tính chiến lược.

Qatar hiện đang bị cô lập trong khu vực khi liên minh do Saudi dẫn đầu (gồm ít nhất 10 quốc gia) đã cắt mối quan hệ với Doha, cáo buộc nước này có mối quan hệ thân thiết với Iran và các tổ chức hồi giáo như Hamas và Muslim Brotherhood.

Việc ký kết các thỏa thuận quốc phòng khổng lồ với phương Tây sẽ khiến những quốc gia trên khó có thể tham gia vào chiến dịch mà Sadi khởi xướng nhằm chống lại Qatar.

Ông Keck cho rằng, bất chấp mức giá đắt đỏ thì kết quả mà điều này mang lại có lẽ cũng đáng giá với một quốc gia có mức thu thập bình quân đầu người lớn nhất thế giới như Qatar.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại