Việc xử lý dầu ăn thừa không đúng cách có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, vì vậy bạn cần biết mẹo xử lý dầu ăn thừa đúng cách và tái sử dụng an toàn nếu muốn tiết kiệm.
Xử lý dầu ăn thừa thế nào?
Không đổ xuống cống
Việc đổ dầu ăn xuống cống rãnh, ống thoát nước, bồn rửa bát hoặc bồn cầu sẽ gây tắc nghẽn hệ thống đường ống dẫn nước của gia đình bạn và góp phần làm tắc nghẽn diện rộng ở các đường ống nước trong thành phố, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường và kinh tế.
Dầu mỡ có thể ở dạng lỏng khi nóng nhưng khi nguội đi trong đường ống của bạn, nó sẽ đông và kết tụ lại thành các hạt dầu và mảng bám lớn trong đường ống. Khi lượng dầu mỡ tăng lên, nó sẽ ngăn nước chảy qua, gây chảy ngược vào nhà bếp và các nơi khác trong nhà bạn.
Lưu trữ hoặc tái sử dụng
Nếu dầu chỉ sử dụng một lần, không bị cháy, bạn có thể học một số mẹo để làm sạch dầu đã qua sử dụng, sau đó cho dầu được tái chế đó vào tủ lạnh để dùng dần. Điều quan trọng là phải loại bỏ thức ăn có thể còn sót lại trong dầu ăn bằng rây, túi lọc... Theo các chuyên gia, bạn nên giữ dầu ăn trong tủ lạnh, tốt nhất là trong lọ thủy tinh. Không bao giờ bảo quản dầu đã qua sử dụng ở nhiệt độ phòng vì dầu sẽ nhanh hỏng. Cần lưu ý là dầu đã qua sử dụng chỉ có thể giữ được từ ba đến bốn tuần.
Cách xử lý dầu thừa rất đơn giản, nhưng hãy nhớ tuyệt đối tránh các trường hợp đã nói ở trên. Bạn chỉ cần vứt dầu ăn vào thùng rác, tuy nhiên hãy làm theo các bước dưới đây:
Để dầu, mỡ nguội hẳn hoặc đông đặc lại Sau khi dầu nguội, hãy cho chúng vào hộp kín để có thể vứt đi. Khi hộp chứa đầy, hãy cho vào túi nhựa để tránh bị chảy dầu ra ngoài và cuối cùng là vứt nó vào thùng rác.
Ngay cả khi bạn loại bỏ phần lớn dầu thừa, hãy dùng khăn giấy để lau sạch lại tất cả nồi, chảo và bát đĩa tiếp xúc với dầu trước khi cho chúng vào bồn rửa. Hãy hiểu rằng, chỉ cần một lượng nhỏ dầu mỡ thừa cũng gây nguy hiểm cho hệ thống ống nước nhà bạn, vì nó sẽ tích tụ theo thời gian.
Cách lọc dầu ăn đã qua sử dụng
Miễn là dầu đã được sử dụng đúng cách và không bị cháy két hay làm nóng quá lâu, bạn có thể thực hiện các mẹo sau để lọc và tái chế dầu ăn thừa.
Sử dụng khăn giấy hoặc giấy lọc cà phê lót vào phễu hoặc rây, dưới để bát sạch hứng dầu. Lọc dầu ăn qua ray và giấy thấm dầu nhiều lần để loại bỏ hết cặn thức ăn và đảm bảo dầu sạch cho lần sử dụng sau. Khi dầu nguội, cho vào lọ thủy tinh có nắp đậy, bảo quản trong tủ lạnh, tủ đông hoặc đặt ở nơi thoáng mát.
Mẹo tái chế dầu ăn thừa đúng cách.
Sử dụng bột năng, bột ngô: Bạn chỉ cần trộn 1 thìa bột ngô với 60 ml nước. Thêm hỗn hợp này vào trong 240 mldầu nguội hoặc dầu đun hơi nóng. Đun nhỏ lửa dầu ăn trên bếp đồng thời khuấy liên tục bằng thìa tới khi hỗn hợp tinh bột dần đông lại. Quá trình này thường kéo dài khoảng 10-12 phút. Hõn hợp tinh bột sẽ hút hết cặn có trong dầu. Cuối cùng chỉ cần lọc dầu bằng rây lưới mịn có thể giúp dầu sạch, trong vắt. Dầu ăn đã lọc để nguội, bảo quản trong hộp thủy tinh kín.
Những lưu ý khi sử dụng dầu ăn đã qua sử dụng
Không thể phủ nhận các cách lọc dầu ăn đã qua sử dụng giúp tiết kiệm cho người dùng. Tuy nhiên không phải cứ lọc đi lọc lại dầu ăn là có thể dùng được. Khi dùng cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Dầu ăn chỉ nên dùng trong vòng 3 lần, trong đó lọc không quá 2 lần để tránh tình trạng biến chất. Nếu dầu ăn đã xuất hiện khói đen thì không nên tái chế hoặc dùng tiếp. Nếu dầu đã qua sử dụng có mùi khó chịu, đừng tái sử dụng. Dầu chiên các loại thực phẩm mùi nồng như cá, dầu chiên chứa gia vị không nên sử dụng tiếp để chiên bánh, chiên khoai, rán trứng. Tốt nhất nên tách riêng từng loại dầu để không gây ra tình trạng lẫn lộn mùi vị. Sau mỗi lần tái chế dầu sẽ dần mất đi độ ổn định nên cố gắng sử dụng hết hoặc không thêm dầu mới vào dầu tái chế. Như vậy sẽ giảm số lần tái chế dầu. Dầu đã tái chế không nên để lâu mà cố gắng dùng càng nhanh càng tốt để tránh tình trạng ôi thiu. Trường hợp dầu ăn còn lại ít thì tốt nhất nên bỏ đi, tránh tái sử dụng gây mất thời gian, tốn công sức. Bình đựng dầu ăn tái chế khi bảo quản cần bọc kín, dùng giấy bạc lót miệng, tránh nước và ánh sáng mặt trời. Tránh tái chế các loại dầu ăn không cùng nguồn gốc với nhau như dầu cải với dầu hướng hương hoặc dầu đậu nành với dầu gạo lứt…