VVA-14 – quái vật “rồng ba đầu” thời Liên Xô (ảnh: CNN)
VVA-14 là cụm từ viết tắt của “máy bay đổ bộ cất cánh thẳng đứng”. Loại máy bay này được thiết kế để cất cánh mà không cần đường băng.
Theo ý tưởng thiết kế ban đầu của nhà khoa học quân sự thiên tài Robert Bartini, với hệ thống máy dò tối tân, khả năng bay sát mặt nước, VVA-14 là “sát thủ” hoàn hảo nhất đối với tàu ngầm hạt nhân Mỹ.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thành công. Chỉ có 3 chiếc VVA-14 được chế tạo và chỉ một chiếc được cất cánh thử nghiệm. Năm 1974, Bartini qua đời, dự án VVA-14 chết theo ông.
“VVA-14 có khả năng cất cánh ở bất cứ đâu, ngay cả trên mặt nước. Bartini là nhà khoa học thiên tài, có tầm nhìn xa trông rộng và trí óc khác thường.
Ông ấy dường như không phải người của thời đại này mà đến từ tương lai. Không ít người gọi ông ấy là người ngoài hành tinh. Ông ấy rất nổi tiếng trong ngành chế tạo máy bay chiến đấu của Liên Xô”, Andrii Sovenko – nhà sử học hàng không Liên Xô – nói.
Vẻ ngoài đặc biệt của VVA-14 khiến nó được mệnh danh là Zmei Gorynich – tên một con rồng ba đầu trong tuyện cổ tích Nga.
“VVA-14 nhìn từ mặt đất rất giống một con rồng ba đầu với đôi cánh nhỏ”, ông Sovenko nói.
Năm 1972, nguyên mẫu của VVA-14 thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên nhưng gặp sự cố về động cơ.
Ý tưởng vượt trước thời đại của Bartini khiến dự án VVA-14 của ông rơi vào bế tắc. Người ta không chế tạo nổi loại động cơ phù hợp với kiểu cất cánh mọi địa hình của máy bay này.
Dự án VVA-14 bị đình chỉ và rơi vào quên lãng cùng cái chết của nhà khoa học thiên tài.
Tuy nhiên, qua dự án VVA-14, Liên Xô đã phát triển được một loạt các loại máy bay khác. Liên Xô nhanh chóng trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ hàng không.
“Không chỉ gặp khó khăn trong khâu cất cánh. Hiệu quả chống tàu ngầm của VVA-14 sau này cũng không được đánh giá cao. Nó chỉ mang được một số lượng nhỏ tên lửa và những khó khăn trong việc chế tạo một loại vũ khí đặc biệt như VVA-14 là rất lớn”, chuyên gia Sovenko nhận xét.
Alexander Zarubetsky – Giám đốc Bảo tàng Không quân Nga – cho biết, nhiều bộ phận của máy bay “rồng ba đầu” đã bị đánh cắp vì không được bảo vệ tốt.
“Sự linh hoạt là điểm nổi bật nhất của VVA-14. Tuy nhiên, nó chưa bao giờ được phát huy trong thực chiến. Chi phí để sửa chữa nguyên mẫu chiếc máy bay vào khoảng 1,2 triệu USD”, ông Zarubetsky nói.