"Chiến hạm bay" B-1B Lancer tái xuất tại Trung Đông
Ngày 26/10, Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) công bố thông tin về việc 2 máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer với tên lóng là "Chiến hạm bay" đã đến căn cứ không quân Prince Sultan ở Saudi.
Những chiếc B-1B Lancer nói trên là đợt tăng cường mới nhất cho lực lượng ném bom ở Trung Đông bao gồm 4 chiếc "Siêu pháo đài bay" B-52H Stratofortress của Phi đoàn ném bom viễn chinh 20 tại Al-Udeid, Qatar và một số lượng không xác định F-15C Eagle của Phi đoàn 48.
Hai chiếc B-52H Stratofortress tại căn cứ Al-Udeid, Qatar.
Ngoài những máy bay kể trên, tại Trung Đông còn có hàng chục chiếc F/A-18 E/F Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng các tiêm kích và máy bay ném bom tàng hình F-22, F-35, B-2 hiện đại hơn đã có mặt tại Trung Đông từ lâu.
Lần gần nhất những chiếc B-1B Lancer xuất hiện ở Trung Đông là 2 chiếc thuộc Phi đoàn ném bom viễn chinh 34 cất cánh từ sân bay ở Al-Udeid, Qatar đã phóng 19 tên lửa hành trình JASSM vào các mục tiêu ở Syria trong cuộc tập kích đường không tháng 4/2018.
Nhân viên kỹ thuật Mỹ kiểm tra lần cuối trước khi những chiếc B-1B Lancer xuất kích trong cuộc tập kích Syria năm 2018.
Người Mỹ chỉ rút sau các cuộc tập kích đường không ồ ạt?
Trong lịch sử các cuộc chiến tranh có sự tham gia của người Mỹ, họ thường "khóa sổ" bằng một cuộc tập kích đường không ồ ạt nhằm chiếm ưu thế trên chiến trường tối đa phục vụ các mục đích trên bàn đàm phán hòa bình.
Đối với tình hình Syria hiện tại, khó có thể đảo ngược lại thực tế là Quân đội Arab Syria (SAA) được sự trợ giúp của Nga và Iran đã nắm chắc phần thắng trong cuộc chiến diễn ra hơn 8 năm qua.
Hai chiếc F-15C Eagle mang theo các tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C và tầm gần AIM-9x tại Trung Đông.
Mặc dù lực lượng vũ trang Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hiện diện tại Syria, đặc biệt là khu vực các mỏ dầu ở tỉnh Deir Ezzor và căn cứ tại al-Tanf, tuy nhiên đối với người Mỹ, không có gì "mất mặt" bằng việc họ đã bỏ rơi đồng minh người Kurd Syria trước lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
B-1B Lancer là vũ khí chiến lược, do vậy một khi tham chiến, người Mỹ cần một "cái cớ" đủ quan trọng, ví dụ như việc sử dụng vũ khí hóa học như những năm 2017 và 2018.
Cùng với việc khoảng 30 xe tăng M1 Abrams chuẩn bị tiến vào Syria nhằm mục đích "bảo vệ các mỏ dầu" khỏi đe dọa của IS, Mỹ được cho là đang chuẩn bị cho một cuộc tập kích đường không nếu "sự cố" xảy ra với binh lính Mỹ tại Syria.
Cùng với cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vũ khí hóa học trong chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" và cảnh báo chiến tranh từ Mỹ, nhiều khả năng B-1B Lancer sẽ tham gia tập kích mục tiêu trong lãnh thổ Syria nếu "cái cớ" được thiết lập, và lần này mục tiêu có thể sẽ không phải là QĐ Syria.
Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer hạ cánh tại sân bay Prince Sultan ở Arab Saudi.