Máy bay chở khách tích hợp tên lửa hành trình - ứng viên thay thế B-52H

Lê Ngọc |

Báo chí Mỹ đang bàn tán sôi nổi về khả năng hồi sinh dự án bị lãng quên từ lâu của Lầu Năm Góc nhằm tạo ra cái gọi là "tàu sân bay tích hợp tên lửa hành trình” trên cơ sở máy bay chở khách dân dụng.

Máy bay chở khách được sử dụng để mang tên lửa hành trình đang được cho là một giải pháp có nhiều ưu thế và tiềm năng ứng dụng; Nguồn: Topcor.ru

Máy bay chở khách được sử dụng để mang tên lửa hành trình đang được cho là một giải pháp có nhiều ưu thế và tiềm năng ứng dụng; Nguồn: Topcor.ru

Sự xuất hiện các hệ thống phòng không hiệu quả trong Chiến tranh Lạnh ở Liên Xô cho thấy độ cao không còn là giải pháp phòng thủ đáng tin cậy đối với máy bay ném bom Mỹ, trong khi chính độ cao phức tạp hóa việc sử dụng bom đạn rơi tự do.

Tuy nhiên, việc sử dụng “pháo đài tầng bình lưu” B-52H chống lại các nước thuộc Thế giới thứ ba vẫn còn tiềm năng rất lớn.

Do đó, Lầu Năm Góc đã đưa ra ý tưởng về việc phóng ồ ạt tên lửa hành trình từ một khoảng cách an toàn ngoài tầm của hệ thống phòng không đối phương. Để làm việc này, một máy bay cận âm thông thường, có khả năng mang tải trọng nặng để đưa tên lửa đến điểm phóng là đủ.

Máy bay chở khách mang tên lửa hành trình

Ý tưởng sử dụng máy bay chở khách dân dụng phục vụ nhu cầu quân sự đã nảy sinh từ lâu. Các máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo từ xa AWACS được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải thông thường.

Hiện tình hình kinh tế khó khăn, Tập đoàn Boeing đang buộc phải tìm kiếm những phương thức mới để có được trợ cấp từ ngân sách quân sự. Việc trang bị cho những máy bay loại này các bệ phóng tên lửa hành trình là một công việc đầy hứa hẹn, vì nó mang lại rất nhiều lợi thế.

Các máy bay Boeing chở khách có bán kính bay xa, tiêu thụ nhiên liệu thấp, được sản xuất với số lượng lớn, đồng thời có thể dễ dàng ngụy trang các máy bay vũ trang tên lửa dùng cho các đòn tấn công bất ngờ này dưới dạng máy bay dân dụng tiêu chuẩn.

Đây chính là cách phiên bản máy bay mang tên lửa hành trình (CMCA) Boeing-747 với 9 hệ thống phóng hình trống nằm ở phần đuôi được tạo ra.

Tổng cộng, CMCA chứa 72 tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86 ALCM, có thể phóng cấp tập từ một cửa sập đã mở sẵn trong vòng chưa đầy 15 phút. Khoảng cách và tốc độ phóng như vậy khiến giải pháp đánh chặn máy bay chiến đấu trở nên vô nghĩa.

Ngoài ra, một ưu điểm lớn của máy bay dân dụng so với máy bay quân sự là chúng có kích thước lớn. Người ta có thể đặt một khối lượng lớn thiết bị điều khiển bên trong để biến máy bay thành một đài chỉ huy trên không.

Boeing 747 CMCA đã được thiết kế phù hợp về mặt kỹ thuật với Nightwatch E-4 (máy bay quân sự chỉ huy và điều khiển chiến lược của Không quân Mỹ). Dòng E-4 được sửa đổi đặc biệt từ máy bay Boeing 747-200B cho chương trình Bộ Chỉ huy Phòng không Khẩn cấp Quốc gia (NEACP).

E-4 đóng vai trò như một đài chỉ huy di động của Cơ quan Chỉ huy Quốc gia, cụ thể là Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng và những người kế nhiệm. Hiện 4 chiếc E-4B được vận hành bởi Phi đội Chỉ huy và Kiểm soát trên không số 1 thuộc Nhóm Chỉ huy và Kiểm soát số 595 đóng tại Căn cứ Không quân Offutt, gần Omaha, Nebraska. Một chiếc E-4B khi hoạt động được ký hiệu là “Trung tâm Tác chiến Đường không Quốc gia”.

Người ta tính rằng hàng trăm “quái thú” CMCA là đủ để thay thế các “pháo đài tầng bình lưu” B-52. Lầu Năm Góc từng đặc biệt tâm đắc ý tưởng về một cuộc tấn công phủ đầu từ các “máy bay mang tên lửa hành trình” như vậy.

Chúng sẽ đánh các mục tiêu Liên Xô từ các tuyến đường hàng không dọc theo biên giới nước này. Ngoài ra, các máy bay dân dụng được chuyển đổi thành máy bay tích hợp tên lửa có thể được sử dụng cho các cuộc không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng của các nước Thế giới thứ ba.

Tất cả các tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu của Mỹ đang tham gia cuộc cạnh tranh về ngân sách của Lầu Năm Góc. McDonnell-Douglas đề nghị trang bị cho máy bay DC-10 với 42 tên lửa hành trình. Lockheed đưa ra hai phương án cùng một lúc: chiếc L-1011 CMCA với 50 tên lửa và chiếc C-5 Galaxy với 110 tên lửa.

Boeing cũng đề nghị trang bị cho chiếc YC-14 của mình 36 tên lửa làm máy bay hỗ trợ hỏa lực cho lục quân trong các cuộc xung đột phi hạt nhân. Dự án nhận được sự đồng tình và ủng hộ của Lầu Năm Góc.

Đáng mừng là dự án chưa bao giờ được thực hiện. Lý do đơn giản là ngay cả Mỹ cũng không có đủ tiền để làm mọi thứ cùng một lúc.

Lầu Năm Góc đã chọn cách tái trang bị “pháo đài bình lưu” B-52 tên lửa ALCM đáng tin cậy và đã được chứng minh bằng thực tế, tài trợ cho việc phát triển máy bay ném bom tàng hình và chế tạo máy bay ném bom tầm thấp siêu thanh B-1B để đột phá hệ thống phòng không đối phương.

Thực tế hiện nay

Theo các chuyên gia, hiện nay, khả năng quay trở lại dự án cũ này là rất cao. Thứ nhất, Boeing, một niềm tự hào quốc gia Mỹ đang rất cần được hỗ trợ tài chính. Tập đoàn đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.

Nếu không có trợ cấp của chính phủ dưới hình thức chương trình chuyển đổi máy bay dân dụng thành máy bay quân sự, tập đoàn lừng danh này có thể không trụ được.

Thứ hai, một loại bom đạn rơi tự do mới có tên CLEAVER (Cargo Launch Expendable Air Vehicle with Extended Range) đã được phát triển và thử nghiệm thành công ở Mỹ. Bom được thiết kế để thả từ máy bay vận tải quân sự thông thường, được cải biến thành máy bay ném bom.

Tất nhiên, không thể sử dụng chúng để chống lại kẻ thù có kỹ thuật tiên tiến như Nga hoặc Trung Quốc, nhưng chống lại một số quốc gia còn lạc hậu như Afghanistan hoặc Libya, điều đó khá dễ dàng.

100 CMCA cùng một lúc có thể phóng số lượng tên lửa tấn công khổng lồ lên đầu của kẻ địch mà không cần tham chiến trực tiếp và không phải mạo hiểm những chiếc máy bay ném bom thực thụ.

Thứ ba, khả năng ngụy trang một chiếc máy bay được trang bị tên lửa hành trình núp bóng một máy bay dân dụng thông thường vẫn luôn tiềm ẩn mối đe dọa.

Những “quái thú” như vậy có thể bí mật tập kết tại các sân bay của các quốc gia đồng minh của Mỹ, ví dụ như ở Ukraine hoặc ở các nước Baltic, và từ đó cất cánh, tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạ tầng của Bộ Quốc phòng Nga.

Việc phải liên tục theo dõi và xác định những kẻ thay hình đổi dạng này đang là vấn đề đau đầu đối với các lực lượng tình báo của Nga và Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại