Theo Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về việc quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, đối tượng áp dụng là: Người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định; người trực tiếp tham gia thực hiện việc khoanh vùng, phong tỏa cách ly ở từng mức độ theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh do Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định;
Cán bộ, người lao động thuộc bộ phận thu viện phí, phòng vật tư thiết bị y tế thực hiện vệ sinh trang thiết bị, máy móc, bơm tiêm điện; cán bộ phòng công nghệ thông tin trực chống dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Cán bộ, người lao động trực tiếp tham gia các hoạt động mai táng và hỏa táng đối với người chết do mắc Covid-19; người bảo vệ địa điểm cách ly tại các địa bàn dân cư theo chỉ thị của cơ quan quản lý nhà nước; lực lượng tham gia các chốt kiểm soát, giám sát việc cách ly xã hội tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô, các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, địa bàn, khu vực giáp ranh.
Theo đó, mức đề xuất cụ thể chế độ cho đối tượng đã được quy định tại Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 20/3/2020 của Uỷ ban nhân dân thành phố nhưng chưa được quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định sẽ được hỗ trợ tiền ăn mức tối đa 100.000 đồng/người/ngày; chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phòng, chống dịch là 150.000 đồng/người/ngày.
Chế độ bồi dưỡng cho người tham gia phòng, chống dịch chưa được quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 20/3/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố sẽ được hưởng mức hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia phòng, chống dịch là 80.000 đồng/người/ngày.
Dự kiến tổng kinh phí khoảng 59.600 triệu đồng, trong đó ngân sách thành phố là 39.704 triệu đồng, ngân sách quận, huyện, thị xã 19.896 triệu đồng và trong khả năng cân đối của ngân sách các cấp.
Góp ý vào Dự thảo, các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều khẳng định việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, đúng theo tinh thần chỉ đao của Chính phủ.
Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ tích cực cho những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và góp phần ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan chức năng cần rà soát lại để bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ như các cơ quan truyền thông, giáo viên… nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng.
Đồng thời, để việc triển khai Nghị quyết được đúng, trúng, đề nghị bổ sung Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tham gia giám sát trong quá trình thực hiện…
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu là các nhà khoa học và thành viên các Hội đồng tư vấn.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương cũng nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều cho thấy sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố.
Điều này thể hiện sự nhất quán về tư tưởng của Trung ương và Thành phố đó là “chống dịch như chống giặc”, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Về đối tượng thụ hưởng, cơ chế, nội dung, mức chi… cho các đối tượng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố cho rằng có tính khả thi, có tính đặc thù của Hà Nội, cho nên mức chi cho đối tượng liên quan trong Nghị quyết này xác định sẽ chi cao hơn so với các địa phương khác trong cả nước.
Bên cạnh đó, việc cân đối ngân sách của thành phố cũng được đảm bảo, không phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa; không trùng đối tượng chi, cũng như mức chi…
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp tại hội nghị để gửi Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, ban hành.