Tuyển dụng mà nói, chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng đối với nhiều doanh nghiệp. Ở những vị trí nhân viên cấp thấp, việc chọn ra ứng viên phù hợp vốn đã rất khó khăn và mất không ít thời gian.
Ở vị trí nhân viên cấp trung hay quản lý, để có thể tìm được một người có thể đồng hành cùng tổ chức, xây dựng đội ngũ lại dường như lại là việc khó khăn hơn gấp bội.
Đó là lý do vì sao, đối với những vị trí quản lý, nhà tuyển dụng thường đặt nhiều tâm tư hơn bình thường.
Và vì rất chú tâm cũng như không để làm mất thời gian của cả đôi bên, nhà tuyển dụng thường đưa ra những bài kiểm tra gắt gao cả về năng lực chuyên môn lẫn kỹ năng mềm…
Một trong số đó có thể kể đến những câu hỏi “hack não” để thử thách khả năng xử lý của ứng viên.
Đơn cử như câu chuyện của một công ty sản xuất. Sau Tết, Giám đốc quản lý sản phẩm của công ty này đột nhiên xin nghỉ việc.
Vì lẽ đó, công ty loay hoay tìm người thế chỗ. Do đây là một vị trí quản lý cấp cao nên việc săn tìm nguồn nhân lực cũng như hẹn trao đổi, phỏng vấn vốn là điều không hề dễ dàng.
Và cũng vì là một vị trí quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất và kinh doanh của công ty nên Ban Giám đốc không muốn việc tìm kiếm và trao đổi diễn ra qua loa.
Chính Tổng Giám đốc công ty là người gặp cũng như nói chuyện với ứng viên. Vốn nhiều năm lăn lộn trên thương trường, vị Tổng Giám đốc biết mình cần tìm người như thế nào?
Vì lẽ đó, trong buổi phỏng vấn, ông đã hỏi tất cả 3 ứng viên cùng một câu hỏi để có thể đánh giá khả năng phân tích, đánh giá và xử lý tình huống của người đối diện. Ông hỏi: “Mất bao nhiêu tiền để sơn lại tất cả cửa sổ trong thành phố?”.
Câu hỏi tưởng chừng như chẳng liên quan nhưng lại khiến các ứng viên ngớ người và chậm lại một nhịp.
Ứng viên đầu tiên nhanh nhảu: “Cũng khó có thể biết được vì chưa ai thống kê thành phố này có bao nhiêu chiếc cửa sổ. Vì lẽ đó, khi chưa có con số cụ thể, rất khó để có thể ước lượng được chi phí mà chúng ta phải bỏ ra là bao nhiêu”.
Ứng viên thứ hai tiếp lời sau đó không lâu: “Câu trả lời vốn dĩ rất đơn giản, chúng ta tốn trung bình 200.000 đồng để sơn một chiếc cửa sổ.
Vậy cứ sơn hết rồi tính lên thôi. Phép nhân đơn giản này, học sinh trung học cơ sở cũng có thể dễ dàng làm được”.
Cô nàng thứ ba trầm tư một vài giây phút rồi mới từ tốn: “Vậy anh có thể cho tôi biết lý do, mục tiêu ban đầu mà công ty chúng ta đặt ra khi phải sơn lại tất cả cửa sổ trong thành phố được hay không?”.
Ứng viên thứ 3 vừa dứt câu, Tổng Giám đốc ngay lập tức mỉm cười và gật gù rồi thông báo cô chính là người trúng tuyển và sẽ giữ vị trí Giám đốc quản lý sản phẩm của công ty.
Thực ra mọi việc rất đơn giản. Vị Tổng Giám đốc trong câu chuyện không hề muốn thử thách ứng viên ở góc độ tính toán hay phân tích vấn đề.
Thứ ông cần ở một người nắm giữ vai trò quản lý đó chính là khả năng tư duy mang tính chiến lược.
Và để có thể đưa ra những chiến lược đúng đắn để quản lý con người cũng như vận hành và chuẩn hóa quy trình, điều đầu tiên chúng ta cần biết đó chính là mục tiêu của từng hạng mục công việc.
Có mục tiêu, chúng ta mới có thể có phương thức cũng như đường hướng tiếp cận chính xác, tránh bị sa đà, lạc lối.
Yếu tố này tuy nhỏ nhưng mang tính cốt yếu và rất thường bị bỏ quên. Do đó, đừng bao giờ làm việc mà không có mục tiêu, chị em công sở nhé.