Reuters ngày 23/2 đưa tin, Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí Xung đột (CAR) - một tổ chức có trụ sở tại Anh chuyên theo dõi nguồn gốc vũ khí được sử dụng trong các cuộc xung đột - đã kiểm tra các mảnh vỡ của một tên lửa đạn đạo Triều Tiên được Nga sử dụng để chống lại lực lượng Ukraine ở Kharkiv vào ngày 2/1.
75% linh kiện tên lửa Triều Tiên có liên quan đến Mỹ
Trong một báo cáo công bố tuần này, CAR cho biết họ đã kiểm tra các linh kiện điện tử, bao gồm cả hệ thống định vị của tên lửa và phát hiện nhiều linh kiện mới được sản xuất gần đây và mang nhãn hiệu của các công ty có trụ sở tại Mỹ.
CAR cho biết, 75% linh kiện được ghi nhận là "có liên quan đến các công ty được thành lập tại Mỹ", 16% đến từ các công ty tại Châu Âu và 11% đến các công ty tại Châu Á.
Báo cáo của CAR cho biết, mã ngày tháng trên các linh kiện cho thấy hơn 3/4 trong số chúng được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến 2023, và tên lửa không thể được lắp ráp trước tháng 3 năm ngoái.
CAR cho biết, những phát hiện của họ cho thấy việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử thương mại khó khăn như thế nào và các nước như Triều Tiên, Nga và Iran phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu như thế nào.
Theo Reuters, các chuyên gia về trừng phạt cho biết những phát hiện này không có gì đáng ngạc nhiên, mặc dù trong nhiều năm Mỹ đã dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm hạn chế khả năng của Triều Tiên trong việc có được các linh kiện và tài trợ cho các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Anthony Ruggiero - thuộc tổ chức tư vấn Foundation for Defense of Democracies có trụ sở tại Washington, người chỉ đạo các nỗ lực trừng phạt Triều Tiên trong chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - cho biết: "Mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ rất mạnh mẽ trên giấy tờ, nhưng các lệnh trừng phạt phải được thực thi để có hiệu quả."
Ông Ruggiero cũng nhấn mạnh sự cần thiết của Washington và các đồng minh để liên tục cập nhật danh sách trừng phạt và chi tiêu cho việc thực thi chúng.
"Chúng ta [Mỹ] không thực hiện bất kỳ hành động nào đối với các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên", Ruggiero nói, đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden cần phải làm nhiều hơn nữa để nhắm vào các công ty, cá nhân và ngân hàng Trung Quốc hỗ trợ trốn tránh các lệnh trừng phạt.
CAR cho biết, họ đang làm việc với cả ngành công nghiệp để truy tìm các linh kiện tên lửa và xác định các thực thể chịu trách nhiệm về việc chuyển chúng sang Triều Tiên.
Phần lớn linh kiện tên lửa Triều Tiên là hàng phổ thông
Martyn Williams – Giám đốc dự án 38 North về Triều Tiên có trụ sở tại Washington - cho biết, nhiều linh kiện do các công ty Mỹ sản xuất có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng hoặc từ các thị trường điện tử trên khắp thế giới.
"Việc Triều Tiên có thể có được những thứ này không có gì đáng ngạc nhiên cả, và tôi không nghĩ có ai tưởng tượng được các biện pháp trừng phạt có thể ngăn chặn dòng chảy của các linh kiện phổ thông", Williams nói.
"Tuy nhiên, có nhiều linh kiện chuyên dụng hơn trong tên lửa và một vài trong số đó không thể tìm thấy trên internet. Đó cũng là những thứ mà các lệnh trừng phạt muốn ngăn chặn", Williams nói thêm.
Katsu Furukawa - cựu thành viên Hội đồng chuyên gia Liên hợp quốc phụ trách giám sát các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên - cho biết, phần lớn các linh kiện trong bức ảnh trong báo cáo của CAR dường như là các mặt hàng thương mại được bán rộng rãi.
Tuy nhiên, ông Furukawa cũng cho biết, trong các cuộc điều tra trước đây của Liên hợp quốc, thường có một số mặt hàng cụ thể như cảm biến áp suất và máy tính điều khiển hành trình bay có thể giúp các nhà điều tra truy vết lịch sử giao dịch và xác định đối tượng cung cấp.
Jenny Town - Giám đốc dự án 38 North - cho biết, những mặt hàng chuyên dụng như vậy chỉ có thể được lấy từ một số ít nhà cung cấp và cần có nhiều giấy tờ giao dịch hơn.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Washington đang sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, trừng phạt và các hành động thực thi pháp luật để ngăn chặn Triều Tiên mua lại công nghệ cho các chương trình vũ khí của mình và ngăn chặn Nga mua những vũ khí như vậy.
"Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân Mỹ, cũng như các quốc gia đồng minh và đối tác nước ngoài trong những nỗ lực này", một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters.